Đêm đó, con tôi lại bị bố mắng chửi vì tội làm bài điểm kém, học hành không giỏi bằng con người ta.
Chồng tôi là thạc sĩ và hiện đang công tác tại một trường giáo dục thường xuyên, cũng có chức có quyền trong trường. Anh nói rằng mình giỏi giang, thành đạt thì con cái cũng phải học giỏi để anh nở mày nở mặt với người ta. Đó là lý do anh ép buộc 2 con phải học thêm, học kèm, học trung tâm từ lúc 5 tuổi đến bây giờ. Thời gian biểu một ngày của các con, ngoài việc ăn ngủ thì là việc học. Chơi bời trở thành điều quá xa xỉ đối với chúng.
Tôi vẫn nhớ khi con gái học lớp 4, mỗi lần tan học, tôi lại chở con thẳng đến trung tâm tiếng Anh. Con từng hỏi: “Tại sao các bạn được đi siêu thị, đi chơi, còn con thì chỉ có học?” Tôi giải thích rằng việc học sẽ rất tốt cho tương lai của con. Nhưng con buồn bã nói rằng chỉ mong được đi chơi một buổi, vì học nhiều làm con mệt mỏi quá.
Sau khi kết hôn, tôi nghỉ việc và ở nhà làm nội trợ, đảm nhận việc đưa đón con đi học. Chồng tôi là người tài giỏi, nhưng anh có xu hướng coi thường tôi, thường cho rằng ngoài chuyện chợ búa, bếp núc, tôi chẳng có giá trị gì khác. Điều đó thể hiện qua lời nói và hành động của anh, thậm chí anh còn quát tháo, chê bai tôi trước mặt các con. Các con thương mẹ, nhưng vì sợ bố nên không dám đứng ra bảo vệ hay bênh vực tôi.
Ảnh minh họa |
Năm nay con gái tôi học lớp 11, con trai học lớp 7. 2 đứa đều xa cách bố, không nói chuyện nhiều, không tâm sự nhiều. Mà chồng tôi ngoài hỏi han chuyện học hành của con thì cũng không biết nói chuyện gì nữa. Khi kiểm tra, thấy con học không được như ý muốn của mình là chồng tôi to tiếng mắng chửi. Con thi phải được điểm tối đa, trong lớp phải đứng đầu và nằm trong top 10 của trường thì anh mới hài lòng. Con gái tôi chịu áp lực từ bố quá lớn nên thường thức đêm học bài đến 1-2h sáng là chuyện bình thường.
Thấy con ghi vở không cẩn thận, tẩy xóa nhiều, chồng tôi chửi các con một trận. Bị bố mắng chửi, con gái tôi chỉ biết im lặng chịu đựng. Con trai thì khóc nức nở thu dọn lại sách vở bị bố ném vứt đi. Chửi con xong rồi, anh bỏ đi nhậu. Con gái chỉ nói một câu mà tôi đau đớn: “Sao mẹ không ly hôn cho rồi. 3 mẹ con sống với nhau vẫn sướng hơn sống cùng ông ấy”. Nói rồi, con vùng vằng bỏ vào phòng, đóng cửa thật mạnh.
Tối đó, thấy phòng con gái vẫn còn sáng đèn, tôi định đem hộp sữa cho con. Nào ngờ con không có ở trong phòng. Tôi đi tìm thì thấy đèn phòng tắm còn sáng. Nhìn qua khe cửa, tôi hoảng loạn, run rẩy khi thấy con gái đang dùng dao lam, rạch từng đường trên cánh tay mình. Máu chảy nhỏ xuống nền nhưng sắc mặt con vẫn rất bình thản, cứ như đây là chuyện thường xảy ra.
Tôi ngã quỵ xuống nền nhà. Nghe tiếng động, con gái vội lấy áo mặc vào che kín tay rồi bước ra. Thấy tôi, con sững sờ rồi bật khóc nấc lên. Mẹ con tôi ôm lấy nhau mà khóc. Tôi rửa vết thương, dán băng keo cá nhân từng vết cắt mà nước mắt không ngừng rơi. Con gái một lần nữa hỏi tôi có thể đưa con về ông bà ngoại, cách xa bố không? Tôi im lặng. Con tỏ thái độ không phục nên hất tay tôi ra rồi bỏ vào phòng.
Thấy con như vậy, tôi xót xa không thể tả. Giờ tôi có nên ly hôn để đem lại cuộc sống bình thường cho các con không? Tôi chỉ sợ mình không thể nuôi nổi 2 con, đến lúc đó các con lại chịu thiếu thốn thì thiệt thòi cho con quá.