Tôi vẫn hương khói cho mẹ vợ đều đặn, nuôi dạy con trai thật tốt.
Tôi và vợ gặp nhau ở một quán cà phê nơi vợ tôi làm thêm. Sau một thời gian hẹn hò, chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới. Kết hôn được 1 năm, vợ tôi sinh được một cậu con trai rất kháu khỉnh. Tôi vốn muốn nhờ mẹ tôi sang giúp đỡ chăm cháu, nhưng vợ tôi khăng khăng muốn để mẹ vợ chăm. Tôi cũng đồng ý, bởi bố vợ tôi đã qua đời mấy năm trước, vợ tôi sợ mẹ ở nhà một mình cô đơn nên mới đón bà đến ở cùng cho vui nhà vui cửa, cũng tiện cho chúng tôi chăm sóc bà luôn.
Cuộc sống ban đầu khá suôn sẻ, nhưng dần dần, vợ tôi lúc nào cũng kêu ca thiếu tiền, chê tôi kiếm được ít. Vợ nói từ sau khi có con, chi tiêu của gia đình tăng chóng mặt, nuôi một đứa bé không hề đơn giản. Thực ra, lương tháng của tôi khoảng 30 triệu, tôi thấy cũng không thấp, nhưng tôi nghĩ vợ nói đúng nên lại càng ra sức làm việc, ngày nào cũng tăng ca đến khuya mới về nhà.
Một ngày nọ, tôi về nhà sớm thì nghe thấy tiếng mẹ vợ và vợ tôi cãi nhau rất to, mẹ vợ không ngừng mắng vợ cái gì đó. Thấy tôi bước vào, cả hai ngừng lại. Tôi hỏi họ có chuyện gì nhưng không ai chịu nói, nên tôi nghĩ có lẽ hai mẹ con có chuyện riêng gì đó không tiện nói cho tôi biết. Thế nhưng ngày hôm sau, vợ tôi biến mất. Tôi không gọi được cho vợ nên gọi cho mẹ vợ thì bà chỉ bảo vợ tôi vào thành phố ở với chị họ một thời gian, bảo tôi đừng đi tìm.
Nhưng suốt một tháng sau đó, vợ tôi không về nhà, tôi gọi điện nhắn tin cô ấy đều không trả lời. Tôi sốt ruột nói chuyện với mẹ vợ, bảo hai mẹ con có gì thì gặp nhau rồi giải quyết. Lúc này mẹ vợ mới ngập ngừng nói cho tôi biết, thực ra hôm đó hai mẹ con cãi nhau là vì bà phát hiện ra vợ tôi qua lại với gã đàn ông buôn gỗ ở xóm bên cạnh. Bà mắng vợ tôi và bắt hai người chấm dứt, nhưng không ngờ ngày hôm sau vợ tôi lại bỏ đi theo người đàn ông đó luôn. Nghe xong, tôi choáng váng, không ngờ chuyện vợ ngoại tình lại có thể xảy đến với tôi. Không liên lạc được với vợ, tôi càng đau lòng và bức bối không hiểu lý do gì khiến vợ đối xử với tôi như vậy, tôi có chỗ nào không đúng hay sao?
Một thời gian sau, khi thấy tôi gầy gò, tiều tụy như cái xác không hồn, mẹ vợ khuyên tôi ly hôn, thậm chí còn mắng con gái mình không ra gì. Bố mẹ tôi cũng động viên tôi nhanh chóng kết thúc cuộc hôn nhân này để có thể vực dậy tinh thần và chăm lo cho con trai. Tôi đã đến tòa án nộp đơn, và khi tòa liên lạc với vợ tôi, cô ấy vẫn vắng mặt trong phiên xử. Cuối cùng, tôi được quyền nuôi con.
Sau khi về nhà, tôi kể lại mọi chuyện cho mẹ vợ nghe. Bà thở dài và nói: “Hai đứa đã ly hôn rồi, mẹ cũng không còn mặt mũi nào để ở lại đây, mẹ sẽ về quê sống tiếp.” Bà vừa dứt lời thì bất ngờ đứng dậy rồi ngã xuống, khiến tôi hoảng hốt. Tôi gọi tên bà hết lần này đến lần khác nhưng bà không tỉnh lại. Hoảng loạn, tôi gọi xe cấp cứu đưa bà vào bệnh viện. Tại đó, bác sĩ cho biết bà bị đột quỵ và phải nằm liệt giường.
Tôi lập tức gọi điện cho vợ, nhưng như mọi lần, không ai nghe máy. Mẹ vợ chỉ có duy nhất một người con gái, và bố vợ đã mất từ lâu, nên bà chẳng còn ai thân thích ngoài con trai tôi, cháu ngoại của bà. Nhìn bà nằm trên giường bệnh, gầy gò và yếu đuối, tôi không nỡ bỏ bà lại. Dù trên danh nghĩa pháp luật, chúng tôi không còn quan hệ gì, nhưng bà vẫn là bà ngoại của con trai tôi, và tôi cảm thấy trách nhiệm chăm sóc bà.
Ảnh minh họa |
Ngày mẹ vợ xuất viện, tôi đưa bà về nhà. Bố mẹ tôi cũng hiểu cho tôi, cả hai cũng dọn qua sống cùng để tiện giúp tôi chăm sóc mẹ vợ và con trai. Tôi cũng không còn lao vào làm việc như trước nữa, tôi phải về nhà sớm để đỡ đần cho ông bà. Bố tôi vốn đã nghỉ hưu, nhưng giờ ông cũng tìm việc làm thêm ở một siêu thị gần nhà để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hoàn cảnh của tôi như vậy nên rất khó để tìm người tái hôn, chẳng ai muốn cùng tôi chăm sóc một bà cụ bệnh tật cả. Vả lại, tôi cũng không có ý định tái hôn, mẹ tôi lo lắng tôi gặp phải người tồi tệ như vợ cũ nên không gây áp lực gì.
Chớp mắt, 5 năm trôi qua, bệnh tình của mẹ vợ chuyển biến nặng hơn, phải nhập viện lần nữa. Lần này thì không được may mắn, bác sĩ bảo chúng tôi phải chuẩn bị tâm lý, mẹ vợ tôi chỉ có thể trụ được 1 tuần thôi. Tôi vẫn không thể liên lạc được cho vợ cũ nên đành lấy điện thoại của mẹ vợ nhắn tin cho cô ấy.
Lúc mẹ vợ hấp hối, bà rút ra một tờ giấy di chúc đưa cho tôi, trên đó là nét chữ ngoằn ngoèo của bà cùng với chữ ký của một bác sĩ và hai y tá. Tiền tiết kiệm của mẹ vợ tôi đã để dành cho việc chữa bệnh trong hai năm đầu, ba năm qua đều là tôi chi trả chi phí thuốc men. Tuy không còn tiền tiết kiệm, nhưng mẹ vợ vẫn còn một ngôi nhà ở quê, bà lập di chúc để lại ngôi nhà đó cho tôi chứ không cho con gái ruột. Bà còn cẩn thận nhờ bác sĩ quay lại video làm chứng. Tôi cầm tờ di chúc mà trong lòng cảm xúc hỗn loạn.
Ngày làm đám tang, tôi lại dùng điện thoại của mẹ vợ nhắn tin cho vợ cũ, cuối cùng cô ấy cũng xuất hiện. Tôi lặng lẽ quan sát, nhìn vợ cũ trông hốc hác xanh xao, nhìn rất giống một người nghiện thuốc. Sau khi lo liệu tang lễ xong, biết được mẹ để lại toàn bộ căn nhà cho tôi, vợ cũ làm ầm lên đòi kiện. Chúng tôi ra tòa, tòa phân xử rằng căn nhà đó là tài sản chung của bố mẹ vợ tôi, hai người mỗi người một nửa, vậy nên mẹ vợ chỉ có quyền xử lý một nửa căn của mình, còn nửa của bố vợ theo pháp luật sẽ chia cho vợ cũ tôi. Tôi cũng chẳng tranh giành gì thêm, tất cả theo tòa phân xử, vì tôi chăm sóc mẹ vợ là thật lòng chứ không nhằm vào bất cứ tài sản gì của bà cả. Căn nhà đó sau khi bán đi, tôi và vợ cũ mỗi người một nửa khoản tiền bán nhà.
Vài tháng sau, tôi nghe tin vợ tôi bị bắt. Đúng như tôi nghĩ, vợ tôi bị bắt vì tội nghiện thuốc, chẳng trách cô ấy chẳng màng gì đến mẹ đẻ và con trai ruột của mình. Người đàn ông buôn gỗ kia cũng có liên quan đến hoạt động kinh doanh mờ ám và cũng bị công an hốt gọn. Đúng là gieo nhân nào gặt quả nấy, chỉ thương cho con trai tôi có một người mẹ như vậy.
Tôi vẫn hương khói cho mẹ vợ đều đặn, nuôi dạy con trai thật tốt. Qua sự việc với vợ cũ, tôi nhận ra mình nên dành thật nhiều thời gian cho gia đình người thân, kẻo đến khi xảy ra chuyện, lại hối hận rồi tự trách mình cả đời. Những ai còn bố mẹ ở bên, hãy hiếu thảo với bố mẹ mình nhé!