Mới đây, trong nhóm “Vén khéo”, một người phụ nữ ẩn danh (tạm gọi là M.) đã chia sẻ câu chuyện khó khăn tài chính của gia đình.
Cụ thể, chị M. 35 tuổi, tốt nghiệp ngành Kế toán, hiện đang làm online, đã ở nhà trông con được 8 – 9 năm nay. Hai vợ chồng chị lấy nhau từ 2 bàn tay trắng, cũng từng lập nghiệp ở quê nhưng do tính toán sai lầm nên mắc nợ tiền tỷ vào năm 2018.
Sau đó, 2 vợ chồng chị M. rời quê ra Hà Nội, không có công việc ổn định, lại đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế suy thoái nên gặp nhiều khó khăn.
Chị M. cho biết, chi tiêu của gia đình chị mỗi tháng như sau: 2 vợ chồng cùng 3 con (Mầm non, Tiểu học, THCS đều học trường công lập) cùng 2 ông bà ở quê sẽ rơi khoảng 50 – 60 triệu đồng/tháng. Gia đình chị không đi ăn ở ngoài hàng, không mua sắm quần áo quá đà, chỉ đủ nhu cầu dùng.
Hiện vợ chồng chị M. đã trả được 2/3 số nợ. Năm nay kinh tế nên vợ chồng chị mất đi 1/2 thu nhập nên chỉ đủ chi tiêu, cả năm chưa có tiền tiết kiệm. Hiện tài sản lớn mà 2 vợ chồng có là chiếc ô tô để tiện di chuyển về quê.
Chị M. tâm sự: “Đợt này mình thấy chông chênh quá! Mình muốn bắt đầu tìm hướng công việc lâu dài mà không có vốn, ở nhà quá lâu nên mình mất 50% năng lực cũng như kiến thức. Nếu đi làm ở công ty anh trai cũng được mức lương 10 – 15 triệu đồng/tháng nhưng sẽ vất vả ở khâu đưa đón con cái, sắp xếp nhà cửa.
Mình muốn làm cùng chồng thì anh bảo 2 vợ chồng chỉ hợp nhau về cuộc sống gia đình, chứ anh không muốn làm cùng mình. Công việc của anh cũng tự do, chủ yếu làm qua điện thoại. Mình thấy ngột ngạt quá, có những lúc stress chỉ muốn được nghỉ vài ngày”.
Nhiều người đồng cảm với câu chuyện của chị M. bởi đây là trường hợp nhiều người gặp phải. Không ít gia đình rơi vào bế tắc tài chính dù họ có thu nhập khá. Họ kiếm được nhiều tiền nhưng hàng tháng cũng mất nhiều khoản phí sinh hoạt cùng các khoản phát sinh. Do đó, nhiều cặp vợ chồng không có khoản tiết kiệm hay các khoản phòng ngừa rủi ro.
Phía dưới bài viết, nhiều người để lại góp ý:
– Đây là “nhà giàu cũng khó”, tháng tiêu 60 triệu đồng, trả nợ 2/3. Suy ra, anh chị cũng có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng.
– Biết đủ là hạnh phúc. Kiếm 50 – 60 triệu đồng/tháng là ước mơ của nhiều người rồi ạ. Bạn cảm thấy chông chênh là chưa kiếm được việc làm, ở nhà quá lâu đó thôi.
– Bạn chênh vênh là do không có mục tiêu việc làm đó. Ai cũng vậy thôi, dù nhà có kiếm mấy trăm triệu đồng một tháng nhưng không có định hướng thì cũng cảm thấy chênh vênh, chưa kể đang mắc nợ. Bạn có thể sắp xếp thời gian để trau dồi kỹ năng về công việc bạn thích. Bạn có thể tìm việc online như bán hàng, content creator. Khi có việc làm, không chỉ còn làm nội trợ, mọi thứ sẽ khác!
Mẹo quản lý tài chính hôn nhân
– Trước khi kếy hôn, cả 2 cần công khai tài sản của bản thân (BĐS, tiền mặt, các khoản nợ,…) cho đối phương biết.
– Tạo một sổ chi tiêu gia đình để theo dõi hàng tháng (Làm trên phần mềm hoặc Excel để tiện theo dõi).
– Ghi chép chi tiết các khoản chi tiêu, dù là khoản nhỏ nhất cũng cần ghi chép cẩn thận.
– Lên kế hoạch chi tiêu cụ thể: Chi, thu, tiết kiệm, dưỡng già,…
– Cả 2 người luôn cùng nhau chia sẻ và công khai tài chính, tuyệt đối không được có quỹ đen.
Trong hôn nhân hay bất kỳ mối quan hệ nào khác, điều quan trọng nhất chính là sự tin tưởng. Nếu thiếu niềm tin lẫn nhau, mối quan hệ sẽ rất khó duy trì một cách bền vững. Tiền bạc là một yếu tố vô cùng quan trọng trong hôn nhân. Dù tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng khi tài chính không ổn định, hôn nhân chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc quản lý tài chính có kế hoạch không chỉ giúp hôn nhân thêm bền chặt mà còn hỗ trợ mỗi người phát triển, tăng cường sự gắn bó với người bạn đời.
Nguồn: Group Vén khéo
Ứng Hà Chi