Bố mẹ tôi không phải là những người quá khắt khe về việc sinh con trai hay con gái, nhưng trong sâu thẳm lòng họ vẫn mong có một cậu con trai. Nhà tôi có 3 chị em gái, bố mẹ nuôi dạy chúng tôi chu đáo, mỗi đứa đều học hành đầy đủ. Mặc dù bố mẹ không thường xuyên bày tỏ tình cảm, nhưng cả 3 đứa chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn điều gì.
Cả 3 chị em tôi đều hơi khó gần bố mẹ, không đứa nào có vấn đề khúc mắc gì với bố mẹ hết nhưng lại không thể có mối quan hệ thân thiết, tự nhiên như những gia đình khác. Không hiểu vì sao nhưng trong tiềm thức của cả 3 đứa đều luôn cảm thấy như mình thật có lỗi khi sinh ra không phải là 1 đấng nam nhi.
Từ khi những người chị của tôi rồi đến tôi lần lượt ra đời, lòng mong ước có một người con trai trong gia đình cứ thầm lặng trong tim bố mẹ. Đối với họ, con trai không chỉ là niềm tự hào mà còn là chỗ dựa vững chắc cho gia đình sau này. Thế nhưng con cái là lộc trời cho mà, đâu phải cứ muốn mà được đâu.
Thời gian trôi qua, khi mẹ tôi bước vào độ tuổi 48, hy vọng về việc có 1 cậu con trai dường như chỉ còn lại là ước vọng xa vời, nhưng rồi, một tin vui bất ngờ đến, mẹ tôi đã mang thai. Đó là một quyết định mà với nhiều người có thể nói là liều lĩnh, bởi ở độ tuổi đó, việc mang thai và sinh nở là một thách thức lớn, cả về mặt sức khỏe lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, niềm vui đến chưa đầy 3 tháng thì cũng là lúc mẹ tôi phát hiện ra độ mờ da gáy của thai nhi quá cao. Bác sĩ đã yêu cầu làm rất nhiều xét nghiệm sàng lọc, thậm chí là chọc ối nhưng nguy cơ mắc hội chứng Down của em bé là rất cao.
Tất cả mọi người đều khuyên can, từ người thân trong gia đình đến các bác sĩ. Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh đều chỉ ra những nguy cơ cao, việc đứa bé có khả năng bị mắc hội chứng này là gần như chắc chắn. Thế nhưng bố mẹ tôi đã quyết định, họ sẽ tiếp tục hành trình này, bất kể hậu quả.
Cho đến các tháng cuối thai kỳ, hình ảnh siêu âm gần như đã chắc chắn hình thái bất thường và đặc trưng của em bé, nhưng đã đi đến đây thì bố mẹ tôi không thể dừng lại được vì thai nhi đã quá lớn rồi.
Ngày em trai tôi chào đời là một ngày không thể nào quên. Vui mừng lẫn lo lắng xen lẫn trong ánh mắt của cha mẹ. Nhưng cũng từ đó, một hành trình mới của gia đình tôi bắt đầu. Em bé mắc hội chứng Down, một thực tế mà tất cả chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần từ lâu.
Hành trình chăm sóc cho em trai quả thực không hề dễ dàng, đứa bé sức đề kháng rất kém, ốm đau liên miên, các mốc phát triển đều chậm chạp hơn rất nhiều. Lớn hơn 1 chút, thì thằng bé bớt ốm đau nhưng lại bắt đầu hành trình mới, hành trình chẳng bao giờ có điểm kết.
Theo thời gian thì 3 chị em chúng tôi đều đi lấy chồng hết, khi bước chân đi lấy chồng thì cả 3 đứa chúng tôi đều không nhận bất kỳ của hồi môn nào của bố mẹ, chúng tôi hiểu rằng việc nuôi em trai mình sẽ rất vất vả với bố mẹ. Con gái đi lấy chồng rồi thì kiến giả nhất phận, chẳng thể giúp đỡ được bố mẹ nhiều hơn.
Giờ đây, cha mẹ tôi đã ngoài 70, sức khỏe đã không còn như xưa, cũng không còn sức lao động nữa mà việc nuôi con trai lại vẫn cứ là gánh nặng không thể có hồi kết. Em trai tôi, với tuổi đời mới chỉ hơn 20, không thể tự chăm sóc bản thân, không thể tự kiếm sống sinh tồn, gánh nặng này đặt lên vai 2 ông bà già đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Cuộc sống của em luôn cần có sự giúp đỡ và chăm sóc đặc biệt, lúc này bố mẹ tôi bắt đầu lo lắng rằng nếu mình qua đời thì cậu con trai này sẽ sống như thế nào đây?
Và ngày đó đã đến, bố mẹ gọi 3 đứa con gái chúng tôi về, thậm chí gọi cả con rể để yêu cầu chúng tôi phải có trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc em trai. Chồng của chị cả là người đầu tiên thẳng thừng từ chối.
Nói đúng ra thì chúng tôi ai cũng phải lo cho nhà chồng, ngay như nhà chồng tôi cũng có mẹ chồng đang đau ốm triền miên cần phải chăm sóc. Trừ khi chúng tôi quyết tâm bỏ chồng chứ có mấy người đàn ông chấp nhận việc phải nuôi em vợ cả đời đâu. Cái này tôi và các chị đều hiểu cho các ông chồng nhà mình.
Chính bản thân 3 đứa chúng tôi chúng đủ thứ gánh nặng đặt lên vai, chúng tôi cũng còn con còn cái, cũng phải sống cuộc đời của mình. Vì sao bây giờ chúng tôi phải gánh vác hậu quả của sự lựa chọn cố chấp của bố mẹ mình ở quá khứ?
Mỗi chúng tôi đều có những lo lắng về tương lai, chăm sóc 1 người mắc hội chứng Down không hề đơn giản và làm thế nào để không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mình?
Thứ chúng tôi có thể hỗ trợ bố mẹ chỉ là về 1 phần nào về mặt tài chính, chúng tôi đã chấp nhận không nhận bất kỳ tài sản nào của bố mẹ vì biết rằng bố mẹ còn phải lo cho em trai rất nhiều, nhưng bảo chúng tôi phải có trách nhiệm nuôi nấng thằng bé suốt phần đời còn lại thì chúng tôi không đủ bao dung…
Có thể bố mẹ cho rằng chúng tôi ích kỷ, máu lạnh nhưng chúng tôi cũng phải sống cuộc đời của mình và chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân. Chẳng phải quá bất công khi bắt chúng tôi phải gánh vác gánh nặng từ sự lựa chọn sai lầm của người khác sao?
Mạn Ngọc