Mối quan hệ của con dâu với mẹ chồng nói riêng hay gia đình chồng nói chung vẫn luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Mới đây trên MXH Threads, một bài đăng chia sẻ lại quan điểm trong chuyện làm dâu của cô gái đã thu hút gần 100k lượt xem cùng rất nhiều ý kiến trái chiều.
Theo đó, cô gái này cho rằng bài học đầu tiên khi làm dâu cần nhớ chính là: Bố mẹ chồng không phải bố mẹ mình.
Nguyên nhân cô gái có quan điểm như vậy là do trong một lần trò chuyện với mẹ chồng, cô lỡ nói một câu đùa, khiến bà thay đổi thái độ và cho rằng con dâu đang “nói bóng gió”. Dù cô đã giải thích và xin lỗi vì không có ý gì xấu, nhưng mối quan hệ giữa hai mẹ con từ đó cũng bị ảnh hưởng. Rút kinh nghiệm, cô nhận ra rằng: “Đừng bao giờ ngừng khách sáo với nhà chồng.”
Câu chuyện của cô gái đã khiến cộng đồng mạng chia thành hai luồng ý kiến. Một bên đồng tình với việc giữ khoảng cách nhất định với gia đình chồng, trong khi bên kia lại cho rằng chỉ cần chân thành và thật lòng thì nhất định sẽ được yêu quý.
Gọi bố mẹ xưng con nhưng dẫu thế nào vẫn là người ngoài
Phần đông ý kiến đồng tình cho rằng, dù có thân thiết, hòa thuận đến đâu thì bố mẹ chồng vẫn không thể là bố mẹ đẻ. Cách ứng xử của con dâu trong gia đình chồng ít nhiều vẫn cần phải giữ ý tứ, phép tắc chứ không thể sỗ sàng đùa vui hay có những cử chỉ, hành động vô tư như khi ở với bố mẹ mình.
Với những ai đã đi làm dâu cũng bày tỏ, mặc dù được mẹ chồng cưng chiều nhưng bản thân vẫn không thể thoải mái thể hiện mọi thứ, vẫn có một chút gì đó gọi là khoảng cách tối thiểu cần giữ. Bởi lẽ, nhiều người quan niệm, chỉ có bố mẹ ruột mới thương và luôn bỏ qua cho những lần con cái làm sai. Nhưng với bố mẹ chồng lại khác, yêu thương và thân thiết nhưng nếu không may “đụng chuyện” thì vẫn là “con dâu”, là người ngoài.
Hơn nữa, đôi khi việc quá mức thân thiết với mẹ chồng cũng không phải là cách làm tốt để duy trì mối quan hệ. Các nàng dâu cho rằng nên có sự “khách sáo” để đối xử thật khéo léo, trước khi nói hay làm gì cũng nên suy xét cẩn thận để tránh hiểu nhầm. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu chỉ nên dừng ở mức chừng mực, hòa thuận là đủ không cần phải thân thiết như bạn bè hay cần công nhận là “thương hơn con gái”.
– “Đúng vậy, nói gì thì nói đi lấy chồng, không thể nào thoải mái 100% như ở nhà với bố mẹ ruột. Không phân biệt nhà mình, nhà chồng nhưng vẫn cần có khoảng cách nhất định để ứng xử phù hợp”.
– “Mình cũng sợ thân quá lại thành nhiều khi bỗ bã, lỡ lời một cái lại không hay. Nhiều khi mình nói, bố mẹ ruột cũng còn trái quan điểm, hiểu sai ý huống chi bố mẹ chồng. Nghe có vẻ lạnh lùng nhưng vẫn là người ngoài, từ xa lạ rồi ở chung một nhà thôi nên không thể bắt họ đối xử như máu mủ ruột già được đâu”.
– “Bản thân mình đi làm dâu cũng luôn giữ nguyên tắc này. Mối quan hệ dừng ở mức hòa thuận, vẫn rất yêu quý nhưng không quá thân thiết. Để chính mình cũng phải khéo léo hơn, cẩn trọng hơn trong từng lời ăn tiếng nói”.
– “Nếu không phải người khéo léo, EQ cao thì hòa thuận, không mâu thuẫn là đủ may mắn rồi. Bởi gọi bố mẹ, xưng con thật đấy nhưng có chuyện gì thì vẫn là người ngoài thôi. Đừng nghĩ họ thương mình như con gái làm gì cho vỡ mộng”.
Đừng phân biệt bố mẹ chồng hay bố mẹ ruột: Cứ sống thật, chân thành từ đầu là được!
Trái ngược với những quan điểm trên, nhiều người cho rằng cũng không thể cứ cứng nhắc, rập khuôn các quy tắc ứng xử như vậy. Bởi mỗi nhà sẽ có một nếp sinh hoạt riêng, mỗi người cũng có một tính cách riêng. Sẽ có những gia đình chồng “bằng mặt không bằng lòng” nhưng cũng không thiếu những bà mẹ thực sự thoải mái, cưng chiều con dâu như con ruột.
Hơn nữa, không ít người cho rằng bản thân các nàng dâu luôn mang tâm lý muốn bố mẹ chồng coi mình như con cái trong nhà thì trước tiên, cũng nên coi gia đình chồng như gia đình của mình. Tốt nhất không nên phân biệt, hay vạch ranh giới đây là bố mẹ chồng mà nên mở lòng, đối xử bằng tình cảm chân thành nhất. Chỉ cần thật lòng, thể hiện từ hành động, cử chỉ đến lời nói một cách không khiên cưỡng, thảo mai thì chắc chắn mẹ chồng nào cũng yêu quý.
Tuy nhiên, hội chị em cũng cho rằng tình cảm thì cứ cho đi nhưng ăn nói, cư xử vẫn cần phải thật khéo léo. Bởi điều này không phải chỉ dành riêng cho mối quan hệ với mẹ chồng, gia đình chồng mà bất cứ mối quan hệ nào cũng cần sự tinh tế.
– “Quan trọng là bạn đùa như thế nào? Nếu bỗ bã thì ngay cả bố mẹ ruột chắc cũng sẽ khó chịu, suy nghĩ. Nên đương nhiên bản thân vẫn cần phải biết cách ứng xử tinh tế, khéo léo theo từng tình huống”.
– “Mình nghĩ cứ thật lòng, cởi mở từ đầu, tính cách mình sao thể hiện như vậy rồi dần dần điều chỉnh trong quá trình sống chung. Chứ cũng không nhất thiết phải giữ ý quá đến mức thảo mai, như vậy thì tình cảm đối với nhau cũng không còn chân thật”.
– “Cái này tùy vào tính cách của mỗi người nữa nên rất khó để có một mẫu số chung. Nhưng bản thân mình đi làm dâu cũng 6 năm nay, mình đối xử với gia đình chồng bằng đúng cái tâm, tình cảm của mình. Thì mình cũng nhận lại được sự hỗ trợ, yêu thương của bố mẹ chồng”.
– “Trong mối quan hệ với mẹ chồng, tinh tế và khéo léo là chắc chắn cần. Nhưng không phải thảo mai mà cứ sống thật, bày tỏ thẳng thắn và luôn thể hiện tình cảm chân thành là được mà”.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này?
Hải My