Theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vào năm 2021, tuổi thọ trung bình của nam giới nước này là 81,64 tuổi và của nữ giới là 87,74 tuổi. Cũng theo đó, độ tuổi trung bình của người Nhật sẽ là 84,69 tuổi, hiện đang dẫn đầu thế giới.
Phần lớn mọi người thường nghĩ rằng lý do người Nhật sống lâu là nhờ chăm chỉ tập thể dục. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật Bản lại được coi là một trong những quốc gia mà người dân ít vận động nhất thế giới.
Thông tin công bố trên tạp chí y khoa The Lancet Global Health chỉ ra rằng, Nhật Bản xếp thứ 11 trong số những quốc gia có tỷ lệ vận động thấp nhất. Bên cạnh đó, báo cáo của Oriental Shinpo từng tiết lộ kết quả Khảo sát Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Nhật Bản, trong đó hơn 60% người Nhật cho biết họ không thích tập thể dục vì quá bận rộn với công việc và việc nhà, hầu như không có thời gian tập thể dục.
Vậy do đâu mà người Nhật vẫn duy trì được một sức khỏe dẻo dai và sống trường thọ như vậy? Câu trả lời nằm ở 5 thói quen cực kỳ đáng học hỏi dưới đây.
1. Ăn đồ tươi và thanh đạm
Người Nhật có một chế độ ăn rất thanh đạm và đơn giản, nhiều nguyên liệu chỉ được luộc sơ qua và ăn trực tiếp với một ít nước chấm. Mặc dù các món ăn được nấu đơn giản, nên có thể sẽ không kích thích vị giác ngay khi vừa thử, nhưng điều đó lại giúp hương vị ban đầu và sự tươi ngon của món ăn có thể được giữ nguyên.
Mặc dù các loại thực phẩm chế biến theo kiểu chiên, xào với nhiều gia vị sẽ khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn, nhưng ăn quá nhiều sẽ không tốt cho cơ thể. Trong chế độ ăn hàng ngày, việc giữ nguyên hương vị của thực phẩm sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực hơn, đặc biệt là một số thực phẩm làm từ thịt.
2. Ăn “ít” nhưng “đủ”
Một bữa ăn thịnh soạn, bày đầy đĩa lớn với những món ngon luôn khiến chúng ta muốn ngồi vào bàn ngay ngay lập tức. Nhưng ở các bữa ăn trong gia đình hay nhà hàng Nhật Bản, bạn sẽ thấy mỗi loại đồ ăn chỉ có vài miếng và được đựng trong bát đĩa nhỏ. Điều này giúp họ kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể và hầu hết người Nhật cũng tin rằng chỉ ăn no 70% là tốt cho sức khỏe nhất.
Tuy các món ăn thường có một lượng ít ỏi, nhưng bữa ăn của người Nhật sẽ thường có 4-6 loại thức ăn để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Thói quen ăn “ít” nhưng “đủ” giúp họ có đủ năng lượng để làm việc mà dạ dày vẫn không bị quá tải, giảm nguy cơ béo phì khi ngồi làm việc cả ngày và ít vận động.
3. Ăn nhiều thịt trắng
Là một quốc đảo được bao quanh bởi biển cả, trong khẩu phần ăn hàng ngày ở Nhật Bản không thể thiếu các loại thịt trắng (cá, tôm…) thay vì thịt đỏ (bò, lợn…) như nhiều nước khác. Thịt trắng là loại thịt có hàm lượng protein cao và ít chất béo, việc ăn uống điều độ và cung cấp thêm các loại thịt trắng có tác dụng giúp chúng ta đẩy lùi được bệnh cao huyết áp và mỡ máu.
Ngoài ra, người Nhật còn thường ăn các loại cá biển sâu, là loại cá chứa nhiều Phospholipid. Theo nghiên cứu được công bố trên trang web chính thức của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, Phospholipid có tác dụng thúc đẩy sự phát triển trí não, ngăn ngừa suy giảm trí nhớ, bệnh tim mạch, ung thư…
4. Chú ý khám sức khỏe định kỳ
Người Nhật cực kỳ coi trọng sức khỏe, vì vậy việc kiểm tra thể chất định kỳ là điều mà họ không bao giờ bỏ qua. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan ban ngành liên quan của Nhật Bản thỉnh thoảng sẽ thành lập các trạm khám sức khỏe miễn phí để khuyến khích người dân đi khám sức khỏe. Điều này có thể giúp kiểm tra, phát hiện sớm các mầm mống bệnh tật và chữa trị kịp thời.
5. Đi bộ và đạp xe
Dù không chăm tập thể dục, nhưng hai hình thức di chuyển phổ biến ở Nhật Bản là đi bộ và đạp xe vô hình trung đã giúp người dân nước này có cơ hội vận động mỗi ngày. Ngay từ khi còn bé, trẻ em Nhật Bản đã được khuyến khích tự đi bộ đến trường. Đến khi lớn lên, việc đi bộ đến các phương tiện công cộng như bến xe buýt, ga tàu điện ngầm trở thành một phần cuộc sống của dân công sở hay người lao động tại Nhật Bản.
Theo một nghiên cứu từng được công bố trên JAMA Internal Medicine, chăm đi bộ giúp con người giảm nguy cơ tử vong và sống thọ hơn. Đạp xe sẽ giúp dây chằng trở nên dẻo dai hơn, đẩy nhanh đốt cháy calo trong cơ thể một cách hiệu quả.
(Theo Baijiahao)
Nguyên An