“Trong cuộc sống, bạn có bao giờ nhận thấy một hiện tượng như thế này không? Có những người học vấn cao, nhưng lại gặp khó khăn khi hòa nhập vào xã hội; Có những người có khí chất nổi bật, nhưng lại luôn có ít bạn bè; Có những người tài năng xuất chúng, nhưng lại không được cấp trên đánh giá cao…
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy những người này thường mắc phải một điểm chung: đó là chỉ số cảm xúc (EQ) thấp. Chỉ cần mở miệng, họ đã khiến người khác khó chịu và muốn tránh xa.
Một chủ doanh nghiệp từng nói với nhân viên của mình: “Trí thông minh chỉ là sự thông minh, chỉ khi kết hợp với chỉ số cảm xúc đủ cao, nó mới trở thành trí tuệ.”
Dưới đây là 5 hành vi thiếu chỉ số cảm xúc có thể khiến bạn tự tay hủy hoại đi các mối quan hệ.
1. Cẩn thận với những lời nói thẳng thừng của bạn
Khi A đang làm việc tại một trung tâm giáo dục, một hiệu trưởng tìm tới với mong muốn anh xây dựng một kho tài liệu trong trường. Đây là một công việc hết sức lý tưởng với A, là việc anh ấy giỏi và còn có thể kiếm tiền.HaI người trò chuyện vui vẻ, khi gần ra về, hiệu trưởng hỏi A liệu anh có cần hỗ trợ trong việc xây dựng kho tài liệu hay không. A buột miệng: “Tôi cũng không cần hỗ trợ gì, chỉ mong công việc vẫn có thể tiếp tục dù có thay hiệu trưởng…”
Ngay khi lời vừa ra khỏi miệng, A đã cảm thấy hối hận. Điều thực sự anh muốn bày tỏ là: công việc này sẽ đòi hỏi khá nhiều thời gian… Nhưng chỉ vì một chút “lỡ lời” mà bầu không khí sôi nổi ban đầu bỗng trở nên lạnh nhạt, và dự án xây dựng kho học liệu cho trường cũng vì thế mà bị hủy bỏ.
Bạn có bao giờ nhận ra rằng nhiều cuộc cãi vã và hiểu lầm trong cuộc sống bắt nguồn từ những lần “lỡ lời” hay không? Dù không có ý xấu, những lời nói chưa suy nghĩ kỹ đôi khi lại “động chạm” đến người khác. Có ý tốt nhưng không biết cách diễn đạt cũng dễ dẫn đến hiểu lầm và bị trách móc.
Socrates đã đúng khi nói rằng, trước khi nói, chúng ta nên suy nghĩ kỹ lưỡng. Đừng để những lời vô ý làm tổn thương người khác, hãy cân nhắc cẩn thận trước khi nói.
2. Lấy chuyện thị phi làm chủ đề trò chuyện
Xung quanh bạn có ai thích buôn chuyện không? Họ thường lấy những câu chuyện phiếm của người khác làm chủ đề cho cuộc nói chuyện của mình. Mà đâu biết rằng mỗi lần như vậy thực ra lại chính là một quả bom hẹn giờ gắn vào người, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Trên thực tế, nhiều người gặp nhau khi buồn chán và bắt đầu bàn tán, bình luận. Phát hiện người mới vào đơn vị quen biết với lãnh đạo, họ sẽ nghĩ anh ta dùng cửa sau. Khi thấy hai người xảy ra xung đột, họ lần lượt nhận xét ai là người không có trí tuệ cảm xúc và ai là người không trung thực.
Trên thực tế, những lời đàm tiếu bạn nói sau lưng người khác chắc chắn sẽ đến tai họ. Và kết quả cũng sẽ chỉ gói gọn trong hai chữ “rắc rối”. Bàn tán về người khác sẽ chỉ càng khiến bạn cảm thấy bị cô lập hơn.
3. Xem sự giúp đỡ của người khác là đương nhiên
Có một câu chuyện thực tế như sau: Có một cặp anh em, người em đã kiện người anh cả và yêu cầu anh ta phải dọn ra khỏi nhà dù thế nào đi nữa. Thì ra người anh đã xa nhà hơn 10 năm và không có nơi nào để ở sau khi về nước.
Người em trai tốt bụng đã bảo anh về ở cùng, nhưng không ngờ người anh sống ở đó nhiều năm, ăn, mặc, ở, đi lại hoàn toàn dựa vào em trai và không hề có ý định chuyển đi.
Điều quan trọng hơn là người anh trai coi sự giúp đỡ của em trai mình là đương nhiên và không tỏ ra biết ơn. Bất cứ khi nào người em muốn anh trai mình chuyển đi, người anh sẽ mắng em trai là người máu lạnh và không tôn trọng mối quan hệ gia đình. Quá bất lực, người em phải gọi cảnh sát để giải quyết sự việc và mối quan hệ giữa hai anh em cũng đi đến hồi kết.
Tôi từng đọc được một câu nói như vậy: “Mỗi ngày tôi đều cho bạn một viên kẹo, bạn quen rồi và coi đó là chuyện đương nhiên. Nếu một ngày tôi không cho, bạn sẽ tức giận.”
Điều đau lòng nhất trên đời là lúc hoạn nạn tôi đưa tay ra cho bạn, bạn lại níu chặt lấy, khiến cánh tay tôi trở nên mỏi nhừ; tôi coi bạn như người thân nhưng bạn lại coi tôi như cái máy rút tiền.
Nếu bạn mù quáng đòi hỏi và cũng không sẵn lòng cho đi, vậy thì mối quan hệ dù tốt đến đâu cũng sẽ dần dần xuất hiện những khoảng cách.
4. Lợi dụng lòng tốt của người khác
Một nhà văn trẻ kể lại, khi còn học đại học, một người bạn cùng phòng của cô có gia cảnh nghèo khó, bố cô ấy bị khuyết tật. Lúc đầu, mọi người đều ngầm đồng ý sẽ giúp đỡ người bạn cùng phòng, chia sẻ một số đồ ăn, vật dụng với cô ấy. Vì vậy, người bạn cùng phòng cũng đã quen với sự giúp đỡ này, thường xuyên mượn thẻ ăn của mọi người nhưng chưa bao giờ nhắc đến tiền ăn.
Khi một người bạn nhận được học bổng, người bạn cùng phòng không ngần ngại đề nghị bạn đãi mình một bữa tối. Người bạn cùng phòng không bao giờ trả tiền ăn tối, nếu có ai dám có ý kiến, cô sẽ bực bội nói: “Đều là bạn bè cả, sao lại tính toán chút tiền này?” “Bao giờ có tiền, tớ nhất định sẽ mời lại!”
Thời gian trôi qua, mọi người đều biết thói quen của cô và xa lánh cô.
Luôn muốn nhận mà không cho đi, luôn tận hưởng sự tiện lợi do người khác mang lại và cho rằng mình có thể sống tốt, những người như vậy bộc lộ tính cách và nhân sinh quan của chính mình. Sẽ không ai hạnh phúc nếu ở lâu với những người như vậy.
5. Coi tranh luận là lý lẽ
Trong thực tế cuộc sống, luôn có một số người có thể chặn họng người khác chỉ bằng vài lời: Bạn nói hút thuốc có hại cho sức khỏe, họ vặn lại: Có người hút cả đời mà vẫn sống đến tám mươi chín mươi.
Bạn nói khi còn trẻ nên chăm chỉ, họ chế giễu: Haha, chăm chỉ mà không có nền tảng cũng vô ích.
Bất kể người khác nói gì, nhóm người này luôn có thói quen bất đồng quan điểm. Họ cho rằng mình là người ăn nói sắc sảo và sâu sắc nhưng trong mắt người khác họ lại là người xấu tính và cay độc. Những người hay tranh cãi luôn muốn cạnh tranh trong một mối quan hệ, điều này dễ dẫn đến đánh mất mối quan hệ lâu dài.
Mỗi người đều có góc nhìn, quan điểm riêng. Việc tranh cãi sẽ chỉ khiến mối quan hệ trở nên đầy oán hận và khiến bạn kiệt sức về tinh thần và thể chất.
Bác bỏ mọi việc và luôn kiếm cớ, về lâu dài, có nghĩa là bạn đang tuyệt đường lui của chính mình.
6.
Cuốn sách có tên “Trí tuệ cảm xúc là gì” có viết: Trí tuệ cảm xúc đề cập đến khả năng cảm nhận, hiểu, kiểm soát, sử dụng và thể hiện cảm xúc của chính mình và của người khác.
Điều đó không có nghĩa là một người có thể nói bao nhiêu lời ngọt ngào, mà là biết cách suy nghĩ từ góc độ của người khác.
Khi giao tiếp với người khác, bạn luôn có thể thể hiện sự đồng cảm, quan tâm đến cảm xúc của nhau và tôn trọng mọi người.
Quan tâm tới cảm xúc của người khác, biết lúc nào nên nói lúc nào không, những người như vậy sẽ luôn được người khác quý mến và tôn trọng.
Diệu Đan