Là cha mẹ, chắc hẳn ai cũng từng lúng túng trước những câu hỏi bất ngờ và có phần “ngây ngô” của con trẻ. Tuy nhiên, thay vì tỏ ra khó chịu hay bực bội, bạn nên nhiệt tình giải đáp để con có thể tìm ra câu trả lời sớm nhất. Bởi lẽ, việc một đứa trẻ thích hỏi han và khám phá các sự vật, hiện tượng xung quanh là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tiềm năng trí tuệ của chúng.
Đặc biệt, nếu con bạn thường xuyên đặt ra những câu hỏi liên quan đến 4 vấn đề dưới đây, xin chúc mừng, bé có tư duy nhạy bén và chỉ số IQ đáng ngưỡng mộ.
Câu hỏi về kiến thức
Loại câu hỏi đầu tiên có độ khó ở mức trung bình nhưng lại được con trẻ đặt ra với tần suất dày đặc cho các bậc phụ huynh. Đó là những câu hỏi về kiến thức. Khi trẻ thích thú một sự vật, hiện tượng nào đó nhưng lại không hiểu, chúng sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh và đối tượng lý tưởng nhất chính là cha mẹ.
Một số câu hỏi về kiến thức mà trẻ có thể đặt ra như: Từ này phát âm như thế nào?, từ này có nghĩa là gì?, câu này trả lời thế nào?, có người ngoài hành tinh thật không?,… Trên thực tế, những đứa trẻ thường xuyên đặt các câu hỏi như vậy thường có xu hướng ưa học hỏi, thích khám phá và bổ sung kiến thức. Điều này cho thấy chúng có khả năng học tập tốt.
Đối với cha mẹ, khi được con đặt những câu hỏi kiến thức, bạn nên lựa chọn cách giải thích dễ hiểu, dùng những từ ngữ đơn giản, phổ thông để giúp con nắm bắt vấn đề nhanh và hiệu quả nhất.
Câu hỏi logic
Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều sự vật hiện tượng xảy ra khiến con trẻ tò mò về cách vận hành, ra đời hoặc hình thành của chúng. Những thắc mắc đó được gọi là câu hỏi logic. Ví dụ như: Tại sao con cá biết bơi?, tại sao bông hoa có màu vàng?, vì sao máy bay bay được trên trời?, vì sao mỗi tháng con lại cao thêm một chút?,…
Khi một đứa trẻ thích đặt những câu hỏi như vậy, tức là chúng đang muốn tìm hiểu sự vật, hiện tượng một cách kỹ càng, sâu và rộng hơn. Điều này thể hiện khả năng tư duy hình ảnh, logic đầy tiềm năng của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh nên cảm thấy vui mừng, hứng khởi khi nhận được các thắc mắc có phần bất ngờ và đôi khi là khó giải thích của con.
Câu hỏi về thuộc tính
Những câu hỏi về thuộc tính mà chúng ta đang nhắc đến chính là sự phân biệt điểm khác và giống giữa các sự việc, sự vật trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, một ngày, con bạn hỏi: Tủ lạnh là thiết bị gia dụng đúng không?, dưa hấu là trái cây hay rau quả?, con gà có bay được như con chim hay không?,… Đó là những câu hỏi cho thấy trẻ bắt đầu suy nghĩ về thuộc tính và bản chất của sự vật.
Lúc này, trẻ đang nhận ra những sự thật, điểm giống và khác giữa những thứ mà chúng gặp phải mỗi ngày. Trẻ càng hay thắc mắc thì càng có năng lực tìm hiểu và học tập tốt hơn. Đó là một tín hiệu đáng mừng mà nhiều cha mẹ không hề nhận ra.
Câu hỏi về đạo đức
Hàng ngày, con người luôn cần tương tác và giao lưu với nhau để giải quyết các vấn đề cũng như bày tỏ cảm xúc và tình cảm cá nhân. Nếu con bạn thường xuyên đặt câu hỏi về cách giao tiếp, ứng xử và đối đãi với những người xung quanh như: “Vì sao con phải nói vâng ạ?”, “Tại sao cần đưa đồ bằng hai tay?”, “Tại sao phải nghe lời ông bà?”… thì đây chính là dấu hiệu tích cực trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu nhận thức được sự khác biệt giữa đúng và sai, cũng như mong muốn điều chỉnh thái độ ứng xử của mình để phù hợp với các tình huống xã hội. Điều này không chỉ phản ánh trí thông minh, mà còn cho thấy con có chỉ số EQ cao.
Về phía các bậc phụ huynh, khi đối mặt với những câu hỏi của trẻ, bạn cần kiên nhẫn lắng nghe và dạy con cách mô tả chi tiết vấn đề rồi đưa ra câu trả lời chi tiết. Ngoài ra, bạn cũng cần hướng dẫn con học cách suy nghĩ độc lập hoặc tự tìm ra câu trả lời trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời khuyến khích con quan sát sự vật, hiện tượng xung quanh trước khi đưa ra kết luận. Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không nên từ chối trả lời câu hỏi hay kìm nén sự tò mò của con.
Theo Toutiao