01
Tại Trung Quốc, đài truyền hình quốc gia từng đưa tin về một cuộc khảo sát tại bệnh viện hàng đầu ở Thủ đô Bắc Kinh. Cuộc khảo sát kéo dài 9 năm, với sự tham gia của hơn 73.000 trẻ em từ độ tuổi 6-16. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ mắc chứng rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên lên tới 17,5%. Nói cách khác, cứ 6 đứa trẻ thì có 1 em mắc chứng trầm cảm và các bệnh tâm thần khác.
Trong quá trình khảo sát, phóng viên của đài truyền hình Trung Quốc đã có dịp đến thăm các gia đình, “bước” vào cuộc sống của họ để tìm ra sự thật về chứng trầm cảm ở trẻ nhỏ.
Horan (18 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nặng cách đây 4 năm và đã nghỉ học kể từ đó.
Trước khi vào Horan vào tiểu học, gia đình anh tràn ngập bao dung và yêu thương dành cho con cái. Nhưng sau này, những câu nói như: “Con nhất định phải đỗ vào một trường cấp 3 tốt”, “Con phải học một trường đại học tốt rồi học lên cao học, lấy bằng tiến sĩ và tìm một công việc tốt…” trở thành sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái hàng ngày.
Nếu đạt điểm không tốt, Horan sẽ bị bố đánh và nhốt ở bên ngoài.
Cho đến một ngày Horan được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, cha vẫn nói: “Nếu con không đến trường và chỉ ở nhà, cuộc đời của con sẽ bị huỷ hoại và kết thúc ở đây”.
Những câu nói và hành động của cha mẹ khiến Horan không ngừng nghi ngờ bản thân mỗi ngày. “Mình là kẻ lãng phí sao? Cuộc đời của mình đến đây là kết thúc à?”, anh tự hỏi.
Horan chỉ là một trong số những đứa trẻ đáng thương mắc bệnh tâm lý ở tuổi đôi mươi. Và sau khi trò chuyện cùng hàng ngàn bạn trẻ như Horan, cuộc khảo sát tại bệnh viện đã phát hiện: Nguyên nhân khiến số đông người trẻ bị trầm cảm là do gia đình.
Những gia đình này hầu hết đều có một vấn đề nghiêm trọng, đó là: Cha mẹ di truyền nỗi lo lắng quá độ cho con cái.
02
Trong chương trình Thiếu Niên Lên Tiếng, một cô bé học cấp 3 tên Xiaoyi đã dũng cảm nói lên câu chuyện của mình. Cha mẹ Xiaoyi đã chịu nhiều khổ cực vì không thể học giỏi nên luôn đặt kỳ vọng vào con gái.
Từ khi vào lớp một, Xiaoyi được cha mẹ tham gia lớp học tiếng Anh. Lên lớp 2, cha mẹ Xiaoyi đăng ký cho con học Olympic Toán, bất chấp đứa trẻ đi học mà không hiểu một chữ gì. Khi Xiaoyi lên lớp năm, cô bé phải đi học nhiều lớp cùng lúc, còn chưa kể còn phải luyện đàn sau giờ học.
Lên cấp 2, hàng ngày sau khi tan học Xiaoyi đều phải làm bài tập về nhà đến tận sáng sớm.
Điểm số của Xiaoyi luôn đứng đầu lớp nhưng cô bé vẫn không thể làm hài lòng bố mẹ.
Mỗi lần thi không đạt hạng nhất, cô bé sẽ bị bố mẹ chỉ trích: “Sao các bạn khác có thể đứng hạng nhất trong kỳ thi, còn con thì không?”.
Áp lực và lo lắng khiến Xiaoyi như muốn “vỡ ra từ bên trong”. Cô bé đã mắc chứng nghiện nhai móng tay từ năm lớp 4, nhiều lần cắn mạnh đến mức khiến tay chảy máu. Sau đó, Xiaoyi sẽ dùng bút chì đâm vào tay với hy vọng dùng nỗi đau thể xác để làm dịu đi nỗi đau tâm lý. Cuối cùng, khi học cấp 2, Xiaoyi đã nghiện việc tự gây thương tích để làm đau chính mình.
Bi kịch của Xiaoyi thực ra là hình ảnh thu nhỏ cho thấy nỗi lo lắng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều gia đình hiện nay như thế nào.
Trong môi trường giáo dục ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều trẻ em bị nỗi lo lắng của cha mẹ đẩy về phía trước, ép buộc chúng liên tục phải cố gắng nếu không muốn thua từ vạch xuất phát. Đứa trẻ bị thúc giục phải học tập từng phút và không được phép thư giãn chút nào.
Lúc 1 tuổi, con được bao vây bởi những lời nói dịu dàng “Con thật tuyệt vời”. Lên 2 tuổi, con được cha mẹ nhắc nhở “Đi đứng cẩn thận nhé”. Tròn 3 tuổi, bé được nghe: “Hôm nay con chạy ra ngoài nhanh quá”…
Nhưng sau khi lên 6 tuổi, khi trẻ chính thức bắt đầu đi học, những lời quan tâm dần mất đi. Câu nói yêu thương đã biến mất và được thay thế bởi những lời đe dọa, thúc giục: “Mau làm bài tập về nhà ngay”, “Con làm xong bài tập chưa”, “Con dạo này học hành thế nào rồi?”, “Con đứng thứ mấy trong kỳ thi”.
Sau khi con học mẫu giáo, nhiều cha mẹ không còn ưu tiên truyền đạt cảm xúc yêu thương cho con mà thay vào đó là truyền tải sự lo lắng.
Cứ như thế, khi một đứa trẻ trở về nhà, con không còn được cảm nhận sự ấm áp của cha mẹ mà chỉ còn là những lời lạnh lùng về điểm số và bài tập về nhà. Theo thời gian, trẻ sẽ chỉ còn nỗi đau và trầm cảm bao vây cho đến khi con cạn kiệt năng lượng.
Nếu so sánh áp lực bài vở nặng nề như một vực thẳm thì sự kỳ vọng và lo lắng cao độ của cha mẹ truyền tải cho con chính là bàn tay vô hình đẩy đứa trẻ xuống vực thẳm đó.
03
Trong chương trình truyền hình thực tế Amazing Mom (Người Mẹ Tuyệt Vời), có một người mẹ tên Li Qi. Bản thân cô là một sinh viên xuất sắc vừa từ nước ngoài trở về và là giám đốc điều hành của Google. Chồng cô cũng là một sinh viên xuất sắc từ khi còn nhỏ và liên tục được giáo viên giới thiệu suốt chặng đường đại học.
Tuy nhiên con trai của họ lại là một học sinh kém và luôn đứng ở vị trí cuối lớp. Trước tình trạng này của con, Li Qi không hề lo lắng mà rất thoải mái.
Nếu con trai viết chữ không đẹp, cô sẽ không chê mà động viên con: “Con viết chữ không tệ đó, càng ngày càng tiến bộ rồi”.
Khi con đưa ra ý kiến giải quyết vấn đề sai lầm, cô sẽ không nói thẳng lời chê bai, chứ đừng nói là vội phản bác thằng bé.
Con trai Li Qi thích chơi game, làm lập trình, hỉnh sửa video và những việc khác không liên quan đến việc học. Thay vì ép buộc con học tập, cô lại hỗ trợ cho sở thích của con nhiều nhất có thể.
Li Qi luôn tin rằng: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đã có sứ mệnh và con đường của riêng mình. Điều cha mẹ phải làm là giúp con phát huy được những điểm mạnh, tránh những khuyết điểm và phát huy tối đa tiềm năng”.
Dưới sự giáo dục của Li Qi, con trai cô tuy không phải học sinh đứng đầu lớp theo nghĩa truyền thống nhưng lại giỏi nhiều kỹ năng. Cậu nhóc đã có nhiều người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội bằng cách đăng tải nhiều video do cậu tự chỉnh sửa. Cậu nhóc cũng vượt qua kỳ thi lập trình viên cấp một.
Tại trường, cậu còn lập nên một câu lạc bộ xuất bản sách với các bạn cùng lớp. Cậu đã phát hành 14 cuốn sách và nhận được nhiều lời khen từ giáo viên cũng như các bạn cùng lớp.
Sau khi Li Qi chia sẻ về cách nuôi dạy con của mình, nhiều người nhận định rằng phương pháp giáo dục của Li Qi đã mang lại làn gió mới cho các bậc phụ huynh thời hiện đại.
Li Qi đã áp dụng phương pháp dạy con không cạnh tranh, không tạo áp lực cho con, để trẻ tự phát triển tinh thần cạnh tranh trong tương lai.
Cuộc sống là một vùng đất hoang vu vô tận, không phải là một con đường hẹp.
Những bậc cha mẹ thực sự có tầm nhìn xa sẽ không bao giờ làm giảm nhiệt tình học tập của con mình vì mục đích đạt được thứ hạng cao trong phút chốc. Họ cũng sẽ không chỉ chú tâm đến những khuyết điểm của con và bỏ lỡ tài năng thực sự của đứa trẻ.
Không bao giờ có một công thức giáo dục thống nhất và mỗi đứa trẻ đều có quỹ đạo phát triển riêng.
Chỉ khi cha mẹ giữ được tâm hồn thoải mái, bình yên thì con cái mới có thể bước đi vững vàng và đi xa hơn trong cuộc đua marathon của cuộc đời.
Dương