Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 này không chỉ thơm ngon mà còn được bày biện rất đẹp mắt, các bạn có thể tham khảo nhé!
Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm là lễ Vu Lan (Tết Trung Nguyên). Rằm tháng 7 cũng trùng với lễ cúng cô hồn (cúng chúng sinh) hay còn gọi là xá tội vong nhân. Mặc dù trùng ngày, nhưng lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai nghi lễ hoàn toàn khác biệt, chúng ta không nên nhầm lẫn. Cúng Vu Lan nhằm báo hiếu tổ tiên qua bảy đời và những người thân đã khuất, còn cúng cô hồn với mục đích bố thí, làm phúc cho các vong hồn vất vưởng, không có ai thờ phụng.
Thường thì trước Rằm tháng 7 khoảng 4-5 ngày, các gia đình đã chuẩn bị mâm lễ cúng. Có thể là mâm cỗ chay hoặc mặn tùy theo mong muốn, điều kiện cũng như sở thích của mỗi gia chủ, điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên.
Dưới đây là một mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng 7 của chị Vũ Thu Hương (Hà Nội) các bạn có thể tham khảo.
Mâm cỗ mặn cúng Rằm này gồm các món:
– Tôm hùm hấp.
– Canh bóng bì thập cẩm.
– Bóng xào thập cẩm.
– Chim quay ngũ vị.
– Nộm bò khô.
– Chả mỡ.
– Xôi gấc, xôi đỗ xanh.
– Gà luộc.
– Bánh bao hoa, chè kho, bánh xu xê.
Dưới đây là cách làm một số món ăn cơ bản trong mâm cỗ cúng Rằm tháng 7:
1. CANH BÓNG THẬP CẨM
Nguyên liệu:
– Bóng bì lợn: 100g (chọn miếng bóng thăn, vuông vức).
– Nước luộc gà: 1.5 lít.
– Súp lơ xanh: 01 cây.
– Cà rốt.
– Nấm hương: 15 cái.
– Giò sống: 100g.
– Hạt sen: 20g.
– Tôm nõn khô: 20g.
– 5 quả trứng cút lộn luộc rồi rán.
– Gừng, rượu trắng, bột canh, hạt tiêu, rau mùi ta rửa sạch, nước mắm.
Cách nấu:
Sơ chế bóng: Ngâm bóng bì trong nước vo gạo đến khi hơi mềm rồi rửa sạch. Sau đó bóp lại bóng bì với rượu trắng và gừng đập dập để tẩy hết mùi hôi, giúp bóng bì thơm và có màu trắng đẹp. Xả lại với nước sạch, vắt khô bóng. Thái thành miếng vừa ăn.
Sơ chế rau củ:
– Súp lơ xanh và trắng rửa sạch, chẻ dọc thân rồi chia thành từng miếng nhỏ.
– Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, tỉa hình hoa cho đẹp.
– Nấm hương khô ngâm nước ấm cho nở.
– Tôm khô ngâm nước nóng cho nở.
Nấu canh:
– Dùng nước luộc gà bỏ thêm tôm khô vào hầm cùng để cho ra nước dùng ngon ngọt, nêm nếm gia vị vừa ăn.
– Luộc sơ từng loại rau củ sau đó lần lượt thả từng loại rau củ và bóng vào nồi nước dùng, khi chín tới thì vớt ra mỗi loại để riêng.
– Giò sống trộn với xíu bột canh, sau đó nhồi từng ít giò sống vào mũ nấm hương. Làm xong thả vào nồi nước dùng đang sôi, đun khoảng 2-5 phút cho đến khi các viên nấm mọc nổi lên trên mặt nước, tức là mọc đã chín thì cũng vớt ra bát riêng.
– Chuẩn bị một bát tô lớn, xếp bóng bì, rau củ, mọc nấm hương, tôm khô, trứng cút, rau mùi ta, rắc hạt tiêu cho hài hòa cân đối trong bát. Sau đó chan nước dùng còn đang sôi trên bếp vào ngập bát. Món này ăn nóng là ngon nhất.
Yêu cầu thành phẩm:
Nước canh trong, có vị ngọt dịu từ thịt gà và tôm khô, thơm mùi nấm hương, gừng và hạt tiêu. Các loại rau vừa chín tới, giữ được màu sắc tươi đậm, ăn giòn ngọt mà không bị sượng. Bóng bì ngọt đậm đà ngấm nước dùng. Mọc giòn, không bã, bở.
2. CHẢ MỠ
Mua sẵn.
3. CHIM QUAY NGŨ VỊ
Nguyên liệu:
– Chim bồ câu non đã sơ chế sạch: 3 con
– Mật ong: 30ml
– Ngũ vị hương: 1 gói
– Tỏi, hành khô, sả
– Lá mắc mật, lá chanh, lá bưởi
– Gia vị: Hạt nêm, đường, mì chính, dầu ăn, nước mắm.
– Dầu điều, ớt bột Hàn Quốc
Cách làm:
– Hành khô, tỏi, sả sơ chế sạch, băm nhỏ. Cho hành khô, tỏi, sả, ngũ vị hương, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê gia vị và mật ong, dầu điều, ớt bột Hàn Quốc vào bát.
– Chế tạo hỗn hợp gia vị cùng các lá đem đi ướp với chim, để gia vị hương thơm ngấm đều.
– Trộn đều thành hỗn hợp sốt sánh dùng để ướp chim bồ câu quay. Khi đó quay sẽ rất ngon, gia vị thấm đều, khi chín thành phẩm lên màu đỏ nâu rất đẹp, liều lượng gia vị đủ ướp cho khoảng 1kg nguyên liệu.
– Chim bồ câu sau khi đã sơ chế sạch, để thật ráo nước, đổ hỗn hợp sốt vừa trộn vào, dùng đũa đảo kỹ vài lượt cho sốt bao kín toàn bộ thân và ngấm vào phần bụng chim.
– Bọc thực phẩm lại để tủ lạnh khoảng 2-3 giờ hoặc qua đêm để cho gia vị ngấm đều vào chim.
– Quay bằng chảo: Bắc chảo lên bếp, cho dầu ngập chảo và đun cho dầu nóng lên. Khi dầu sôi thì cho chim vào và chiên đến khi vàng đều thì gắp ra cho vào đĩa có giấy thấm dầu và tắt bếp.
– Quay bằng lò: Chim sau khi ướp lấy ra, cho vào lò nướng đã được làm nóng đến 220 độ C, cho chim vào khay nướng và nướng trong khoảng 20 phút.
– Sau 20 phút lấy khay chim ra rồi dùng cọ quét một lớp mật ong lên chim, tiếp tục nướng thêm khoảng 7-8 phút nữa là được. Lấy chim ra, chặt miếng vừa ăn là xong.
4. TÔM HÙM HẤP
Tôm hùm mua về rửa sạch, sau đó xếp vào nồi hấp. Để thịt tôm đậm đà hơn chút, bạn có thể thoa lên một ít muối tiêu, hoặc không cần cũng được.
Sả đập dập cho sau đó cho vào nồi tôm. Rưới bia lên khắp mình tôm. Đặt nồi hấp tôm lên bếp sau đó đun sôi ở lửa lớn. Sau khi sôi, có thể hấp tôm thêm trong 10-12 phút tùy theo kích cỡ của tôm. Tôm trong ảnh nặng 650g-700g/1 con.
Tôm hấp xong bày ra đĩa cho đẹp.
5. NỘM ĐU ĐỦ BÒ KHÔ
Chuẩn bị: 1/2 quả đu đủ xanh bào sợi, 1 củ cà rốt gọt vỏ rửa sạch, bào sợi, bò khô sợi, lạc rang, rau kinh giới
Gia vị: Nước mắm, đường, giấm, tỏi, ớt, nước lọc.
Cách làm: Nước mắm đem hòa với nước lọc, đường, giấm sao cho thấy vị chua mặn ngọt vừa đủ. Đun sôi sau đó để nguội, cho tỏi, ớt băm nhỏ vào.
Trộn đu đủ bào sợi, cà rốt bào sợi, bò khô với nhau. Đổ nước trộn nộm vào. Cho kinh giới thái nhỏ. Rắc lạc rang. Khi ăn trộn đều.
Chúc các bạn thành công!