Chữa lành là trị bệnh hay trào lưu?

Lê Thị Trúc Chủ Nhật, 28/04/24 5:43 Chiều

Nhiều bạn trẻ tin rằng việc chi tiêu một khoản tiền để tham gia các liệu pháp chữa lành sẽ giúp họ đạt được sự cân bằng trong cuộc sống. Tuy nhiên, liệu việc tham gia chữa lành có đảm bảo rằng họ sẽ tìm được sự bình yên?

Tại Việt Nam, từ khóa “chữa lành” đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây, đặc biệt đối với giới trẻ. Nắm bắt xu hướng này, nhiều tổ chức, cá nhân đã mở hàng loạt dịch vụ chữa lành.

Đủ lý do để… tổn thương

Là nhân viên bán hàng, áp lực về doanh số luôn khiến P.T.L. (25 tuổi) cảm thấy mệt mỏi. L. cho biết có những lúc muốn buông bỏ nhưng nhìn các bạn cùng trang lứa quanh mình thành công khi thường xuyên đăng tải đi du lịch, công việc kiếm được nhiều tiền khiến cô phải chấp nhận thực tại. Mong muốn bản thân được giải tỏa những mệt mỏi, lo lắng, chị L. đã tìm đến nhiều phương pháp chữa lành như thiền, đọc sách sale-help.

“Tôi xin nghỉ phép vài ngày để tham gia một số buổi thiền, bỏ tiền đi du lịch ở những nơi hòa mình vào thiên nhiên. Ban đầu, tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhưng sau khi quay lại công việc, tâm trạng không thay đổi nhiều. Tôi định gặp bác sĩ tâm lý nhưng nghĩ rằng mình đang làm quá vấn đề, không đến mức phải vào bệnh viện. Cho đến khi cơ thể mệt mỏi, suy kiệt gây mất ngủ, lo âu nhiều, tôi mới tìm đến các chuyên gia tâm lý để được điều trị” – chị L. chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ chọn cách đi du lịch để tìm sự cân bằng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thạc sĩ tâm lý Trần Văn Trọng, thuộc Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), đã chia sẻ rằng trong quá trình thăm khám, họ thường gặp phải tình trạng như chị L. tại bệnh viện.

Ông Trọng cũng lưu ý rằng gần đây, số lượng người trẻ đến khám tăng gấp đôi so với trước. “Mỗi ca khám tâm lý thường kéo dài hơn 1 giờ, trung bình trước đây chỉ khoảng 1-2 ca/ngày, nhưng hiện nay khoa tiếp nhận 5-6 ca/ngày. Đồng thời, nhiều người bệnh còn đến khám tâm thần kinh với số lượng khoảng 30-40 ca/ngày. Những đối tượng này thường cần sử dụng thuốc vì bệnh liên quan đến thể chất như mất ngủ, suy kiệt…” – ông Trọng chia sẻ.

Theo ông Trọng, Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa một con người khỏe mạnh là người có sức khỏe về thể chất, tâm lý và xã hội. Nếu một trong ba yếu tố trên gặp vấn đề, thì người đó không được coi là khỏe mạnh.

Trải qua dịch COVID-19 ngày càng có nhiều người hơn gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các bạn trẻ. Theo tháp nhu cầu Maslow, con người có 5 nhu cầu chính gồm sinh lý (ăn, mặc, ở…), an toàn, xã hội, tôn trọng và thể hiện. Các thế hệ trước đây từ 7x, 8x thường nằm trong nhu cầu sinh lý vì đó là thời điểm khó khăn nên con người thường có xu hướng tâm lý bảo đảm được nhu cầu ăn, mặc, ở. Thông thường những thế hệ này họ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng dễ dàng vượt qua. Sau đó, đến thế hệ 9x, khi nhu cần ăn, mặc, ở được đáp ứng, họ có xu hướng tìm sự an toàn và cho đến thế hệ hiện tại 2x hay còn gọi là gen Z thì 2 nhu cầu trên đã được đáp ứng thì họ cần có sự yêu thương.

“Đặc biệt, với các bạn khoảng 24-25 tuổi đây là giai đoạn người trẻ mới trưởng thành, từ môi trường sinh viên, trở thành người đi làm sẽ phải đối mặt với khó khăn trong công việc, các mối quan hệ xã hội… nếu không vượt qua được sẽ khiến bản thân họ tổn thương” – thạc sĩ Trọng phân tích thêm.

Biết chấp nhận, vượt qua áp lực

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, nhấn mạnh rằng người trẻ hiện nay đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ môi trường xã hội và kinh tế, cùng với sự ảnh hưởng từ thời đại công nghệ, khiến họ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và áp lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều người tự vượt qua được những khó khăn này mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài.

Thạc sĩ Trần Văn Trọng đề cập đến khả năng tự phục hồi của con người, nhấn mạnh rằng trong tâm lý, có sự mềm dẻo và linh hoạt, giúp một số người tự chữa lành được. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cần sự hỗ trợ, chuyên gia sẽ đồng hành và hỗ trợ cho đến khi đạt được mục tiêu điều trị, nhưng quan trọng nhất là người bệnh cần biết chấp nhận và vượt qua khó khăn một cách tích cực.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh rằng việc “chữa lành” có thể là có lợi hoặc có hại tùy thuộc vào nguồn thông tin mà người tiếp cận. Điều quan trọng là cần phải tiếp cận thông tin chất lượng và tránh xa những thông tin sai lệch, có thể gây ra tình trạng lo lắng và không chắc chắn. Đối với những biểu hiện bất thường trong tâm lý, việc gặp các chuyên gia tâm thần hoặc tâm lý gia sẽ giúp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, thay vì tự thử nghiệm các phương pháp không phù hợp.

Theo các chuyên gia, để duy trì sức khỏe tâm thần, việc thường xuyên tập thể dục và thể thao cùng việc dành thời gian chăm sóc gia đình và người thân là rất quan trọng. Mục tiêu cuối cùng của quá trình “chữa lành” là tạo ra sự cân bằng từ thể chất đến tâm thần, giúp con người cảm thấy bình an và hạnh phúc.

Nhận biết sớm các dấu hiệu

Nhận biết sớm các dấu hiệu tâm thần rất quan trọng để có thể hỗ trợ và giúp người bệnh trong quá trình chữa trị. Dưới đây là một số dấu hiệu cần chú ý: thay đổi trong giấc ngủ hoặc khẩu vị; biến đổi đột ngột trong tâm trạng và cảm xúc; rút lui khỏi xã hội và mất hứng thú với các hoạt động trước đây; suy giảm hiệu suất học tập hoặc làm việc; có suy nghĩ hoặc cảm xúc không bình thường; trở nên nhạy cảm và kích động quá mức; thờ ơ với mọi hoạt động; lo lắng và sợ hãi vượt quá mức; có ý nghĩ về tự tử.

*Gợi ý nhìn nhận

Trong thế kỷ 21, khái niệm chữa lành không còn chỉ là việc điều trị bệnh tật mà còn trở thành một trào lưu, một phong trào mạnh mẽ. Một số người chọn cách chữa lành bằng các phương pháp tự nhiên, thảo dược, hay yoga, trong khi những người khác đổ xô vào các xu hướng mới nhất, dù không nhất thiết là thực sự hữu ích cho sức khỏe của họ. Vậy, chữa lành hiện nay đang hướng đến mục đích trị bệnh hay chỉ là một trào lưu thời thượng? Đó là một câu hỏi đáng suy ngẫm trong xã hội hiện đại.

Website : oFamily

OFamily luôn nỗ lực và hy vọng cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Chúng tôi luôn trân trọng và mong đợi nhận được mọi ý kiến và đóng góp từ quý bạn đọc.
Email: ofamily.vn@gmail.com.

Xin cảm ơn!

Nguồn: Theo Báo Người Lao Động

TIN MỚI:

ofamily quảng cáo cùng bạn