EQ (Trí tuệ cảm xúc) hiểu đơn giản là chỉ số thông minh về mặt cảm xúc của mỗi người. Cụ thể, chỉ số này mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng tự nhận thức để xác định, kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ của bản thân và cả người xung quanh.
Một người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ luôn được yêu mến hầu hết mọi người, thể hiện qua khả năng giao tiếp, hành động khiến những người xung quanh luôn cảm thấy thoải mái, song cũng làm tôn lên giá trị của bản thân. Ngược lại, người có trí tuệ cảm xúc thấp thường kém hoặc không có khả năng nhận diện cảm xúc (của cả bản thân và người khác).
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng EQ có thể quan trọng hơn IQ trong việc quyết định thành tựu chung trong cuộc sống. Thế nên, ngoài việc cải thiện chỉ số cảm xúc của bản thân, nhiều người cũng muốn tìm người bạn đời có EQ cao, phù hợp để tiến đến một mối quan hệ lâu dài. Nhiều cô gái, chàng trai thường có thói quen quan sát, để ý cử chỉ, lời nói của đối phương ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên (first date) để biết họ có EQ cao hay thấp.
Người có EQ thấp, thường có 5 biểu hiện dưới đây:
Nói quá nhiều, nói nhiều hơn nghe, nói luyên thuyên
Nhiều người nghĩ rằng cứ phải liên tục nói chuyện, đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau khiến buổi không khí trở nên rôm rả thì mới thật sự là một buổi first date lý tưởng. Song, điều này không đúng hoàn toàn. Dù rất muốn hiểu nhau nhưng cũng không cần thiết phải kể ra những trải nghiệm trong cuộc đời mình hay nói quá nhiều về một vấn để của mình, của đối phương hoặc đặt ra quá nhiều câu hỏi, ngay trong lần đầu hẹn hò.
Hơn nữa, một người có chỉ số cảm xúc thấp thích đánh bại người khác bằng lời nói nhằm gây ra sự chú ý. Họ sẽ liên tục ngắt lời để bày tỏ quan điểm của bản thân. Đối với họ, đây là biểu hiện của sự lanh lợi, thông minh nhưng dễ khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu nói quá nhiều sẽ dễ khiến bạn không thể lắng nghe kịp, hoặc lắng nghe chưa đúng, không đủ, có thể khiến cuộc trò chuyện trở nên khập khiễng hoặc khiến đối phương cảm thấy mình đang bị “bỏ rơi”, làm tổn hại đến cảm xúc của mối quan hệ.
Bạn chỉ nên dừng lại ở những cuộc đối thoại đơn giản, đủ chừng mực để cả hai vừa được nói – được lắng nghe và cũng có thời gian để suy nghĩ, đặc biệt, không tạo áp lực lên đối phương.
Đến điểm hẹn trễ liền đổ lỗi cho trời mưa, quán khó tìm
Không ít những trường hợp gặp sự cố về xe cộ, hay chỉ đơn giản là muốn chỉn chu, xinh đẹp hơn trước mắt đối phương mà một cô gái hay chàng trai dành nhiều thời gian để lựa đồ, makeup hay chọn một đôi giày ưng ý,… dẫn đến bị trễ thời gian. Song, thay vì xin lỗi và tự nhận lỗi, nhiều người lại chọn đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc đối phương, với những câu quen thuộc như “Hôm nay trời mưa quá, đường tắc”, “Anh đặt quán này ở trong ngõ, em tìm mãi không thấy”,… Không hoàn toàn phủ nhận việc những lý do trên là sai, song đây cũng là một biểu hiện của người có EQ thấp trong lần đầu hẹn hò.
Xu hướng đổ lỗi cho người khác về phản ứng cảm xúc hay vấn đề của mình là dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc thấp. Nó phản ánh sự bất lực trong việc chịu trách nhiệm về trạng thái cảm xúc của bản thân hay khả năng tự chịu trách nhiệm về những gì mình làm, gây ra. Khi có chuyện không hay xảy ra do lỗi của mình, họ thường tìm cách đổ lỗi cho ai đó hoặc điều kiện khách quan nào đó. Nếu bị quy trách nhiệm, họ sẽ oán trách và phàn nàn rằng bản thân không có lựa chọn khác và mọi người khác không chịu hiểu cho những khó khăn của họ.
Đưa ra những câu hỏi dạng “Ví dụ như… thì thế nào?”
Mới gặp lần đầu, song, nhiều người thường có thói quen đưa ra những câu hỏi dạng “Ví dụ như… thì thế nào” để đối phương lựa chọn, từ đó đánh giá suy nghĩ, nhận thức của họ về một hay nhiều vấn đề. Song, điều này hoàn toàn không nên, thậm chí sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu ra mặt. Điều này cũng phần nào thể hiện đối phương là người hiếu thắng, khó kiểm soát suy nghĩ và không để ý đến cảm xúc của người còn lại. Về lâu về dài, một người luôn đưa ra những giả định trong các vấn đề của cuộc sống, sẽ khiến cho mối quan hệ của cả hai trở nên mệt mỏi, xa cách.
Khoanh tay, rung đùi… khi nói chuyện với đối phương
Tư thế ngồi trong buổi hẹn đầu tiên cũng phần nào cho thấy đối phương thể hiện phần nào khả năng tự quản lý cảm xúc. Ngồi khoanh tay, rung đùi hay ngồi với tư thế quá cứng nhắc,… bỏ qua yếu tố về mặt thói quen thì điều này cho thấy người này đang có sự phòng thủ về mặt thể chất, thường phản ánh sự phòng thủ về mặt cảm xúc.
Tính phòng thủ này cho thấy họ có khả năng dễ bị tổn thương hoặc không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, thường khó hoặc không có kết nối với người khác ở mức độ tình cảm, đặc biệt là trong các mối quan hệ lãng mạn, ngọt ngào như yêu đương hay vợ chồng.
Ăn mặc quá lố flex sự hào nhoáng của bản thân
Vẻ bề ngoài luôn là điều quan trọng, đặc biệt là trong buổi đầu hẹn hò. Không nói đến việc bạn phải thật xinh đẹp, mặc toàn đồ hiệu mà ở đây chỉ sự chỉn chu, phù hợp. Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự hiểu được vấn đề này, họ thường chọn những bộ cánh quá lộng lẫy, quá gợi cảm,…. hay dát toàn hàng hiệu để thể hiện sự hào nhoáng. Song, điều này sẽ vô tình khiến đối phương cảm thấy áp lực. Xét về khía cạnh EQ, điều này phần nào thể hiện bạn là người thiếu tinh tế hoặc thường đề cao cảm xúc cá nhân lên hàng đầu.
Theo Sina, vũ khí quan trọng của một người phụ nữ hay đàn ông trong buổi đầu hẹn hò là sự tự tin, đứng đắn. Đối phương thường sẽ bị hấp dẫn bởi một người biết chừng mực, tiết chế,… và điều này cũng thể hiện ở việc bạn biết lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh.