Một bậc cha mẹ thành công trong việc nuôi dạy con cái không nhất thiết phải là người cung cấp những điều kiện giáo dục vượt trội hay giúp con đạt được thành tích học tập xuất sắc. Điều quan trọng hơn là giúp con phát triển nhân cách toàn diện, có phẩm chất ôn hòa, tư duy đúng đắn và một tâm hồn ấm áp.
Trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, việc giáo dục con cái thường chỉ xoay quanh việc cải thiện điểm số. Khi con không đạt được kết quả cao, họ thường có xu hướng cho rằng con mình thiếu năng lực và khó có thể làm nên chuyện.
Giáo sư Lý Mai Cẩn – chuyên gia tâm lý học tội phạm, chuyên gia giáo dục thanh thiếu niên nổi tiếng của Trung Quốc từng chỉ ra rằng, với tư cách là cha mẹ, việc dạy con 3 điều này quan trọng hơn nhiều so với điểm số. Nếu cha mẹ hiểu được 3 nguyên tắc này, sẽ giúp ích lớn hơn cho sự phát triển và trưởng thành của trẻ.
Ba điều quan trọng hơn điểm số trong giáo dục
1. Quy tắc
Quy tắc là phần quan trọng trong giáo dục. Cha mẹ cần thể hiện uy nghiêm trước, sau đó mới đến sự cởi mở; trước là kỷ luật, sau là dân chủ. Tự do thực sự phải được xây dựng trên nền tảng của quy tắc.
Trong Bắt Trẻ Đồng Xanh, có câu: “Con ơi, cuộc đời quả là một trận đấu mà mọi người phải tuân theo quy tắc”.
Cha mẹ cần giúp con hiểu điều gì nên làm, điều gì không nên làm, và hậu quả khi phạm sai lầm. Như vậy, trẻ mới có thể sống với lòng kính trọng, cư xử đúng mực và biết điểm dừng.
2. Lòng biết ơn
Giáo dục lòng biết ơn là một trong những nền tảng cơ bản mà nhiều gia đình thường bỏ qua. Cha mẹ luôn dạy con học hành chăm chỉ, tiến thủ, cư xử tốt với bạn bè, và lịch sự với người khác. Nhưng điều quan trọng nhất – giáo dục lòng biết ơn – lại thường bị xem nhẹ.
Nếu trẻ không hiểu được sự biết ơn, mọi sự hy sinh của cha mẹ đều trở nên vô nghĩa. Cha mẹ cần dạy con biết cảm kích công sức và sự vất vả của mình. Lòng biết ơn sẽ giúp trẻ trân trọng hơn những điều nhận được và học cách đền đáp.
Nhà văn Shakespeare từng viết trong Vua Lear: “Sự vô ơn của con cái như việc con đưa thức ăn đến miệng nó, và nó cắn vào chính tay con”.
Yêu con không chỉ là bảo bọc, mà còn phải dạy con biết ơn.
3. Sự tu dưỡng
Tu dưỡng là “linh hồn” mà cha mẹ truyền lại cho con cái, bao gồm thói quen sống, cách hành xử, và vệ sinh cá nhân.
Người có tu dưỡng luôn gây thiện cảm và được công nhận trong các mối quan hệ xã hội. Những người như vậy thường có cơ hội thành công cao hơn những người chỉ biết học mà không có kỹ năng sống.
Những khía cạnh quan trọng khác
Ngoài ba điểm trên, còn có những nội dung giáo dục thiết yếu khác:
– Sự tự tin: Khích lệ trẻ để xây dựng lòng tự tin, giúp chúng đối mặt với khó khăn một cách tích cực.
– Khám phá sở thích: Tạo điều kiện để trẻ khám phá sở thích, khuyến khích sự chủ động và sáng tạo.
– Kỹ năng giao tiếp: Hướng dẫn trẻ cách tương tác với người khác và yêu thương chính bản thân mình.
– Thể chất khỏe mạnh: Quan tâm đến thể thao, cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên để rèn luyện sức khỏe.
– Tinh thần hợp tác: Bồi dưỡng tinh thần hợp tác, tránh cạnh tranh hỗn loạn và lo âu.
Những yếu tố trên là nền tảng của một nền giáo dục toàn diện, giúp trẻ trưởng thành và thành công trong cuộc sống.
Làm cha mẹ tốt, không phải là việc khó nhưng cũng không hẳn là dễ. Điều quan trọng là xuất phát từ con cái và thay đổi từ chính bản thân mình!
Theo Sohu
Thiên An