Giáo dục gia đình là cả một nghệ thuật.
Hiện nay, có một hiện tượng phổ biến trong xã hội: Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng trở nên thụ động, các bậc cha mẹ thường sống rất dè dặt, cẩn trọng trước mặt con cái.
Một bà chia sẻ: Con trai chị đã tốt nghiệp đại học nhưng cả ngày chỉ chơi game ở nhà, không quan tâm đến việc ăn uống hay tắm rửa. Khi chị nhắc nhở con phải chú ý đến vệ sinh cá nhân và nên ra ngoài tìm việc làm để tự nuôi bản thân thì lại nhận tiếng la hét tức giận của con trai: “Mẹ suốt ngày càm ràm, mẹ không thấy phiền à? Con lớn rồi, mẹ cần gì phải lo lắng như vậy. Không vệ sinh có chết đâu! Mẹ không ra ngoài làm việc à? Nếu mẹ nghèo, đừng có sinh con. Sinh ra mà không nuôi nổi thì có nghĩa lý gì?”.
Người mẹ im lặng, không biết trả lời thế nào. Mối quan hệ mất cân bằng này đã khiến người mẹ phải sống trong sự thấp thỏm, áp lực và tự ti.
Có một cuộc khảo sát ngẫu nhiên từng được thực hiện gần một trường học, phóng viên hỏi các em học sinh có biết ngày sinh của cha mẹ mình không. Kết quả thật đáng ngạc nhiên khi chỉ có một vài em trả lời được, hầu hết các em không thể nói chính xác ngày sinh của cha mẹ hoặc thậm chí không quan tâm.
Vậy tại sao cha mẹ luôn cố gắng chăm sóc, hy sinh hết mình cho con cái, nhưng đổi lại chỉ là sự lạnh nhạt và thờ ơ? Vậy, cha mẹ nên làm gì? Các nhà tâm lý học cho rằng: Khi con cái không tôn trọng hoặc phớt lờ bạn, đừng tức giận hay cố giải thích. Hãy nhớ thực hiện 3 điều sau đây là đủ:
Đặt ra ranh giới rõ ràng
Từng có một bà mẹ chia sẻ trên mạng rằng con gái của chị từ nhỏ đã có tính cách mạnh mẽ và quyết đoán, không ai có thể ngăn cản những gì cô bé muốn làm. Một lần, cô bé thấy bạn hàng xóm đang ăn bánh quy và nhất quyết đòi mua bằng được loại bánh quy đó. Khi gia đình không thể mua đúng loại, cô bé bắt đầu khóc và đập đầu vào tường. Điều này khiến cha mẹ phải chạy khắp các siêu thị để tìm mua cho cô bé.
Sau này, khi cô bé đi học, có lần thi không tốt và khi cha mẹ nhắc nhở, cô bé không chấp nhận, thậm chí lớn tiếng chỉ trích cha mẹ rằng họ không tôn trọng mình. Cô bé đã từ chối ăn liên tục ba bữa và quay mặt làm ngơ, thậm chí có lúc còn liếc mắt khinh thường cha mẹ khi gặp họ.
Rõ ràng, việc không đặt ra ranh giới từ đầu đã khiến đứa trẻ trở nên không tôn trọng cha mẹ. Thực tế, đó là kết quả của việc cha mẹ chiều chuộng, nuông chiều quá mức, không có nguyên tắc.
Tôn trọng lẫn nhau
Các nhà tâm lý học chia giáo dục gia đình thành bốn loại: Kiểu quyền uy, kiểu độc đoán, kiểu nuông chiều và kiểu bỏ mặc. Trong văn hóa Đông Á truyền thống, không ít cha mẹ có phong cách giáo dục độc đoán, cho rằng cha mẹ có quyền kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của con cái. Tuy nhiên, điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến mối quan hệ gia đình.
Khi con cái cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư và không được tôn trọng, chúng sẽ phản kháng mạnh mẽ khi có cơ hội. Vì vậy, hãy học cách tôn trọng lẫn nhau và tạo ra một môi trường gia đình ấm áp, nơi có sự chấp nhận và yêu thương nhưng cũng có những nguyên tắc rõ ràng.
Ảnh minh họa |
Thiết lập giao tiếp hiệu quả
Giao tiếp là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong mọi mối quan hệ. Khi cảm thấy bị con cái thiếu tôn trọng hoặc phớt lờ, đừng vội nổi giận hay đáp trả ngay lập tức. Thay vào đó, hãy bình tĩnh lắng nghe và cố gắng hiểu cảm xúc và khó khăn của con.
Hãy khuyến khích con cái bày tỏ những cảm xúc thật bên trong, sau đó nhẹ nhàng chia sẻ suy nghĩ và mong muốn của mình. Một cuộc đối thoại hiệu quả sẽ giúp cả hai bên hiểu nhau hơn và tạo nên một mối quan hệ gia đình vững chắc hơn.