Nuôi dạy con cái trong xã hội hiện đại là một thử thách không nhỏ. Ở mỗi giai đoạn, những tác động từ môi trường khách quan sẽ làm trẻ có những nhu cầu và cách ứng xử khác nhau khiến cha mẹ đôi khi cảm thấy bỡ ngỡ và khó theo kịp. Bên cạnh đó, sự kỳ vọng về một đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, đa tài cũng làm nhiều cha mẹ cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Họ luôn tự hỏi liệu mình có đang làm tốt vai trò của một người cha, người mẹ hay không?
Gần đây, trong nhóm phụ huynh Hà Nội, một nữ phụ huynh đã chia sẻ khó khăn trong việc nuôi dạy con ở tuổi dậy thì, thu hút nhiều sự quan tâm từ các thành viên.
Theo chia sẻ, phụ huynh này là mẹ đơn thân, cuộc sống vô cùng khó khăn khi chồng vừa mất hơn một năm trước. Cô một mình thuê nhà trọ và nuôi hai con ăn học tại Hà Nội mà không có sự hỗ trợ nào từ gia đình hai bên. Một buổi tối, thấy con vẫn cố gắng hoàn thành bài tập để nộp vào sáng hôm sau, người mẹ lo lắng nhắc con đi vệ sinh cá nhân rồi đi ngủ sớm. Nhưng trái với sự quan tâm của mẹ, con lại tỏ thái độ bực dọc, buông lời khó nghe, khiến mẹ không khỏi bàng hoàng. Quá sốc trước lời lẽ đó, cô không kiềm chế được cảm xúc và đã tát con, bắt con quỳ xin lỗi dù con một mực
“Nhiều lúc nghĩ các con thiếu thốn từ tình cảm cho đến vật chất, em lại đau nhói vì thương các con, nên đã cố gắng rất nhiều để con đỡ thua thiệt hơn. Vậy mà hôm nay xảy ra chuyện này, em cảm thấy mình thất bại hoàn toàn”, người mẹ đau khổ chia sẻ.
Được biết, bình thường con của nữ phụ huynh này luôn được đánh giá là ngoan ngoãn, lễ phép. Nhưng đợt gần đây, con đi học về có kể là cô giáo mới chuyển cho con ngồi gần 2 bạn suốt ngày nói tục, và con cũng rất khó chịu về điều đó. Sau sự việc hôm nay, người mẹ lo sợ rằng con bị ảnh hưởng bởi các bạn, “gần mực thì đen” nên vừa hối hận vì đã làm con đau, vừa bất lực vì không biết dạy con sao cho phải.
Phía dưới phần bình luận cũng có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau từ các phụ huynh khác. Có người đồng cảm, gợi ý cho mẹ cách giải quyết, có người trách người mẹ chưa rõ vụ việc mà đã phản ứng thái quá:
– Em nghĩ mẹ con nên ngồi nói chuyện với nhau. Nói rõ với con lí do vì sao mẹ lại phản ứng như vậy vì nghe con nói từ không nên nói. Để con giải thích rõ ràng rồi tìm hướng giải quyết mẹ ạ. Chứ đánh thì cũng đánh rồi, mẹ con nên nói chuyện lại với nhau tránh để vấn đề không giải quyết dứt điểm sau con cái nó càng xa lánh mình, nó sẽ phản ứng mạnh hơn mỗi khi mẹ con gần nhau đó ạ!
– Con bị ảnh hưởng 1 thì mình thấy mẹ bị ảnh hưởng 10. Con có thể sai, đánh con không đánh mặt. Mẹ đã đánh mặt còn hẳn 3 cái. Mẹ chỉ nghe thoáng, con chối thì xin lỗi con có thể mẹ nghe nhầm. Rồi tâm sự với con vì sao mẹ lại có thái độ vậy. Nhưng đỉnh điểm là mẹ bắt con quỳ xin lỗi mẹ. Mình thấy mẹ quá vô lý ở phần này. Tổn thương là đến từ đây đấy.
Con còn đang lớn, đang học làm người, mẹ cần dạy con chứ không phải làm căng với con đến vậy. Mình thấy mẹ nên xin lỗi con vì sự nóng nảy của mình và học cách lắng nghe con nhiều hơn. Chồng mất, mẹ 1 mình nuôi 2 con là vất vả cho mẹ. Nhưng mất bố, con thiếu 1 người quan tâm nuôi dạy là mất mát cho con. Mẹ đừng nghĩ chỉ mình mất mát mà hãy mạnh mẽ và làm người mẹ kiên nhẫn để con không chịu đả kích nữa mẹ nhé. Rất thông cảm cho hoàn cảnh của bạn nhưng bạn cần mạnh mẽ đối mặt vì con.
– Bạn phản ứng hơi quá với con. Nếu con có nói câu đấy thật, có thể con quen miệng khi giao tiếp cùng các bạn, bạn nên chọn cách giải thích vì sao con không nên dùng từ đấy, vì dù sao cũng là lần đầu bạn nghe thấy và theo lời bạn kể thì con cũng ngoan ngoan, lễ phép. Còn trường hợp bạn nghe nhầm thì sao, con không nói từ đó thật thì sao? Vô tình bạn áp đặt luôn là cái gì bạn bảo có là có dù con có chối thì vẫn là phải có.
– Mẹ nhạy cảm quá rồi ạ. Hồi xưa e, cũng nói bậy suốt mà sau lớn vẫn con ngoan trò giỏi đây. Trẻ con nói cho vui chứ có hiểu sâu xa đâu. Người lớn cứ quan trọng hóa vấn đề. Thế hệ bây giờ, tầm cấp 2 trở đi mà không có đôi lần văng tục là lạc lõng với thế giới lắm mẹ nhé! Câu chửi thề nó gắn kết tình bạn, kết nối yêu thương lắm đấy ạ!
Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con nói bậy, cư xử thô lỗ?
1. Kiềm chế cảm xúc
Khi con trẻ nói những lời lẽ không hay, phản ứng đầu tiên của nhiều bậc phụ huynh thường là tức giận và quát mắng. Tuy nhiên, đây không phải là cách giải quyết hiệu quả. Thay vào đó, việc kiềm chế cảm xúc của bản thân là vô cùng quan trọng.
Việc giữ bình tĩnh sẽ giúp chúng ta tránh những lời nói nặng nề, những hình phạt quá mức có thể khiến trẻ sợ hãi và gây tổn hại đến mối quan hệ mẹ con. Thái độ của phụ huynh sẽ quyết định đến việc con có chửi thề nữa hay không. Ở độ tuổi còn nhỏ, các con đang có sự phát triển về tâm sinh lý, đôi khi dễ bồng bột và tự ái khi bị bắt lỗi.
2. Nói chuyện nghiêm túc và nhẹ nhàng với con
Sự nghiêm túc của cha mẹ không chỉ đơn thuần là để răn đe mà còn giúp trẻ hiểu được hậu quả của hành vi. Nếu phụ huynh không nghiêm túc sẽ khiến bé nghĩ rằng ba mẹ chỉ đang đùa và việc mình làm không có gì sai. Sau này trẻ có thể lấy đó làm một lý do và không còn giữ được sự tôn trọng hay thực sự nghe lời ba mẹ nữa.
Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần tuyệt đối không nên tranh cãi, đối đầu trực tiếp với con mà thay vào đó hãy tìm cách trở thành một người bạn, một người bé tin tưởng để dễ dàng giáo dục về nhiều vấn đề khác trong tương lai. Chúng ta nên nhẹ nhàng nên phân tích cho trẻ hiểu những từ nói bậy là gì? Hậu quả có thể xảy ra như thế nào? Ba mẹ cũng có thể dùng chính từ mà con vừa nói để làm ví dụ, đặt tình huống trẻ là người nghe để xem cảm giác khi đó ra sao.
3. Tìm hiểu nguyên nhân sự việc
Để giúp trẻ từ bỏ thói quen nói bậy, điều quan trọng là cha mẹ cần tìm hiểu sâu xa nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Có thể trẻ đang bắt chước người lớn, bạn bè hoặc đang muốn thể hiện sự nổi loạn. Hoặc cũng có thể đơn giản là trẻ chưa hiểu rõ ý nghĩa của những từ ngữ đó nên tò mò nói. Khi hiểu rõ nguyên nhân, cha mẹ sẽ có những phương pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả hơn.
4. Đưa ra những quy định cho lần sau
Nhằm tăng tính nghiêm túc và tạo sự răn đe khi con nói tục, ba mẹ có thể đưa ra những nguyên tắc và hình phạt phù hợp khi con phạm lỗi.
Gia đình cần cùng nhau đặt ra những ‘luật bất thành văn’ về ngôn ngữ. Ví dụ, không được sử dụng những từ ngữ thô tục, không được chê bai hay làm tổn thương người khác, và học cách bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt. Nếu trẻ vẫn chưa thay đổi, cha mẹ cần có những hình phạt nhẹ nhàng như giảm thời gian xem tivi, hạn chế chơi game để giúp trẻ hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Những hình phạt này sẽ giúp trẻ dần nhận thức được rằng việc nói tục không chỉ làm tổn thương người khác mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình. Từ đó, trẻ sẽ tự giác điều chỉnh hành vi của mình.
5. Dạy con cách nhận biết và thể hiện cảm xúc
Nếu trẻ thường dùng những từ nói tục mỗi khi tức giận hoặc cảm thấy không vừa ý điều gì đó, cha mẹ hãy dành thời gian nói chuyện và dạy cho con cách chia sẻ tâm sự, bày tỏ cảm xúc theo một cách văn minh hơn thay vì nói tục. Hãy giúp con hiểu rằng có nhiều cách khác để bày tỏ cảm xúc, chẳng hạn như chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với người lớn một cách chân thành hoặc tham gia vào các hoạt động mà con yêu thích. Việc sử dụng những từ ngữ thô tục không chỉ làm tổn thương người khác mà còn khiến bản thân trẻ cảm thấy tồi tệ hơn.
Nói tục là một hành vi vô thức và rất dễ tạo thành thói quen ở trẻ em. Do đó, cha mẹ cần phải luôn quan tâm, để ý đến quá trình con phát triển và phải có cách xử lý khéo léo để tránh gây ra những phản ứng “ngược” không đáng có.
Trang Vũ