Lý Gia Lạc sinh năm 2002, khởi nghiệp từ năm thứ hai đại học thông qua việc bán sản phẩm cho khách hàng tới từ nước ngoài, chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, kiếm được số tiền mà nhiều người ao ước, Lý Gia Lạc bắt đầu hành trình của mình ra sao?
01
Hành trình khởi nghiệp của cậu sinh viên năm 2
Học chuyên ngành thương mại quốc tế, ngay từ khi còn đi học, Lý Gia Lạc đã có cho mình một hướng đi nghề nghiệp khá rõ ràng. Anh bén duyên với hình thức kinh doanh hiện tại thông qua một bài đăng của một vị khách nước ngoài, “Đó là lúc tôi học năm 2, khách hàng đầu tiên của tôi, anh ấy đăng một bài đăng khá dài, nói mình đang kinh doanh đồ uống tại Mỹ, muốn tìm một loại phao, nhưng không có bản thiết kế, cũng không có sản phẩm mẫu, hỏi xem liệu có thể giúp đỡ anh ấy không. Khi đọc được bài đăng đó tôi đã đi liên hệ bên xưởng sản xuất để làm sản phẩm mẫu, sau đó tôi chụp ảnh sản phẩm thực tế gửi cho khách hàng. Tới cuối tuần họ nhắn tin trả lời tôi nói rất thích sản phẩm này, và nói họ cần 10.000 chiếc cho sản phẩm này, hỏi tôi có thể trả giá rẻ hơn hay không. Đơn hàng này giúp tôi kiếm được mười mấy vạn tệ (khoảng 300-400 triệu đồng).”
“Tới khoảng từ tháng 5-6 năm 2022, lượng khách hàng mà tôi có một tháng rơi vào khoảng 2000 người”, Lý Gia Lạc chia sẻ.
Khi được hỏi làm sao để tìm kiếm nguồn khách hàng cũng như giữ chân được họ, Lý Gia Lạc chia sẻ, “Thứ nhất, trong quá trình giao tiếp với khách hàng, tôi sẽ tìm hiểu xem khách hàng để tâm điều gì, khách hàng tại Âu Mỹ không giống với khách hàng tại Đông Nam Á, cách họ để tâm tới cách chúng tôi trình bày trang giới thiệu chi tiết sản phẩm của cửa hàng của mình sẽ không giống nhau. Khách hàng ĐNA họ sẽ để tâm tới giá cả nhiều hơn, trong khi khách hàng tại Âu Mỹ lại quan tâm liệu sản phẩm của bạn có đạt chất lượng hay không. Tất cả những phản hồi của khách hàng, chúng tôi đều sẽ đưa hết lên trang chủ cũng như trang giới thiệu chi tiết sản phẩm, như vậy thì khi đăng sản phẩm, khách hàng nhìn thấy sản phẩm của bạn sẽ thấy được thông tin mà họ muốn thấy, và đó là điểm ngay lập tức thu hút được khách hàng, lượng truy cập cửa hàng của chúng tôi ngay lập tức gia tăng, sau đó nếu công việc hậu cần thực hiện tốt, từ khâu khách hàng biết tới bạn, tin tưởng bạn, giao dịch với bạn, nhiều lần nữa quay lại tìm bạn, cứ với một vòng chu kì như vậy, số liệu của cửa hàng sẽ ngày càng tốt lên. Mỗi một người khi đó có thể phụ trách 50-60 khách hàng.”
Khởi đầu với sản phẩm mà khách hàng tìm kiếm, sau đó, Lý Gia Lạc quyết định kinh doanh sản phẩm trong hôn lễ, lý do là bởi, “Lúc đó tôi nghĩ, liệu có một loại sản phẩm nào đó, vừa có thể bán được với giá cao, vừa có lượt mua lại nhiều lần hay không. Sau đó tôi nói chuyện với người bạn người Mỹ của mình, tôi phát hiện ra, người nước ngoài hình như rất thích kết hôn, họ có thể kết hôn tới 3-4 lần, trong khi đó, với văn hóa của nước ta, chúng ta sẽ chỉ kết hôn 1-2 lần, khi đó tôi đã quyết định kinh doanh sản phẩm trong hôn lễ. Sau khi đi khảo sát các xưởng sản xuất, tôi đã nghĩ, bán được với giá cao, có thể được mua lại nhiều lần, chuỗi cung ứng cũng rất gần mình, đây chính là sản phẩm mà tôi đang tìm kiếm.”
Vừa đi học, vừa kiêm công việc kinh doanh của mình, Lý Gia Lạc thừa nhận có những lúc bản thân cảm thấy vô cùng quá tải, tuy nhiên, sự phổ biến của AI giống như một vị cứu tinh cho công việc của anh, “Khi đó tôi không kham được vì còn đang phải đi học, nhưng bắt đầu từ năm ngoái, hầu như tất cả mọi người đều bàn luận về AI, lúc đó tôi đã nghĩ, Internet có lẽ chính là sản phẩm cho thế hệ 10X chúng tôi, tôi nghĩ AI chắc chắn sẽ giúp ích cho mình, nghĩ vậy tôi muốn thử áp dụng nó xem sao. Trước kia, khi chúng tôi đăng một sản phẩm lên có thể mất 10-20 phút, một ngày có thể chỉ lên được nhiều nhất 10-20 sản phẩm, nhưng sau khi áp dụng AI, chúng tôi tiết kiệm được gấp đôi gấp ba thời gian, có rất nhiều công đoạn không cần bỏ ra quá nhiều suy nghĩ hay thao tác.”
Là một sinh viên năm hai với kinh nghiệm còn non trẻ, Lý Gia Lạc tìm kiếm nguồn sản phẩm bằng cách, “tôi sẽ tìm sản phẩm trên các nền tảng thương mại trong nước, sau khi tìm được sản phẩm, tôi sẽ đăng lên trang bán hàng quốc tế trên trang thương mại điện tử của mình, dần dần cửa hàng trực tuyến của tôi bắt đầu có khách hàng, sau khi nhận được đơn hàng, chúng tôi sẽ gửi thông tin đơn hàng tới 20-30 xưởng cung ứng để so sánh giá cả, giá của ai thấp hơn, tôi sẽ chọn xưởng cung ứng đó, sau đó dần dần tích lũy, những nhà cung ứng sau khi nhận được nhiều đơn đặt hàng thì chúng tôi cũng dần tạo được mối quan hệ thân thiết hơn.”
02
Vay mẹ tiền để khởi nghiệp và quan điểm trong chi tiêu sau khi tự “làm ra tiền”
Khi được hỏi tiền vốn ban đầu tới từ đâu, Lý Gia Lạc thẳng thắn chia sẻ, “Tôi mượn ba mẹ. Tôi nhớ là mình có nói với mẹ là ‘tiền này con mượn mẹ, con sẽ viết giấy nợ cho mẹ, nếu con kinh doanh thất bại, con sẽ đi làm để trả lại mẹ số tiền này’. Từ lúc quyết định làm cho tới lúc mở gian hàng, tất cả chỉ vỏn vẹn trong vòng 2-3 ngày.”
Khi còn là sinh viên năm 3, Lý Gia Lạc đã thu được doanh thu khoảng 7.000.000 tệ (khoảng 22 tỷ đồng) thông qua việc bán sản phẩm, và cũng giống như nhiều người khác, “khoảng thời gian kinh doanh được khoảng 6 tháng, kiếm được chút tiền, tôi lập tức đi mua xe ô tô, cứ khi nào có đơn đặt hàng, kiếm được tiền, tôi lập tức sẽ tiêu, mua trang sức, mua đồng hồ, mua các thiết bị điện tử, nhìn chung khi đó kiếm được bao nhiêu tôi sẽ tiêu bấy nhiêu. Cảm giác lúc đó tôi luôn nghĩ mình là người có tiền, cảm giác đi trên đường, thứ gì tôi cũng có thể mua được.”
Tuy nhiên, vào tháng 7,8 năm 2023, một sự việc xảy ra khiến Lý Gia Lạc hoàn toàn thay đổi quan điểm của bản thân về tiền bạc và việc chi tiêu. “Khoảng tháng 7,8 năm ngoái, bà nội tôi bị bệnh phải nhập viện, chi phí mỗi ngày là khá cao, khoảng 6000-7000 tệ mỗi ngày. Lúc đó tôi muốn giúp đỡ cả nhà, nhưng khi kiểm tra tài khoản của mình, tôi nhận ra mình không còn bao nhiêu tiền. Lúc đó tôi đã suy nghĩ, tiền, sau này muốn sử dụng, phải sử dụng thật đúng chỗ. Sau đó, tôi xem xét lại việc chi tiêu của mình, một bữa ăn tôi hoàn toàn có thể tiết kiệm vài chục tệ, như vậy thì vài chục tệ đó tích lũy mỗi ngày sẽ tạo ra một số tiền lớn. Sau đó, tôi đem số tiền đó đầu tư vào cửa hàng của mình, thu hút nhiều khách hàng hơn. Biết đâu một ngày nào đó gặp được khách hàng lớn, tôi lại có thể tạo ra lợi nhuận 10 triệu tệ. Hiện tại tôi vẫn đang tiêu dùng theo tư duy này. Vì trước đây, tiền đến nhanh và đi cũng nhanh, cảm giác như là nếu không sử dụng số tiền này đúng cách, ông Trời sẽ lấy lại của tôi số tiền này. Cho nên tôi luôn nghĩ phương châm của mình kể từ lúc này sẽ là tiến bước một cách thật ổn định.”
Khi được hỏi nghĩ lại về hành trình khởi nghiệp của mình, liệu đã khi nào cảm thấy khó khăn và nản lòng muốn từ bỏ hay chưa, Lý Gia Lạc thẳng thắn, “Rất nhiều người cảm thấy khó khăn là bởi họ suy nghĩ quá nhiều, họ sẽ liệt kê ra những vấn đề mà thậm chí còn chưa xảy ra, rồi nghĩ về mỗi bước đi nên như thế nào, như vậy thì khó khăn là điều tất yếu. Với những gì đã trải qua, cá nhân tôi cho rằng, lúc mà bạn chưa có sự chuẩn bị gì, hiện tại bắt đầu chính là thời điểm tốt nhất.”