Toán học là một môn học rất thú vị, giúp rèn luyện khả năng tư duy, suy luận logic của học sinh. Hiện nay, ở bậc tiểu học, ngoài các bài toán cần thực hiện các phép tính thông thường như cộng, trừ, nhân, chia, còn có nhiều bài toán khá “hóc búa”, đòi hỏi học sinh phải tư duy logic và áp dụng kiến thức thực tế.
Trong quá trình học tập của trẻ, toán cũng là môn học mà các bậc cha mẹ đều rất xem trọng. Tuy nhiên, khi hướng dẫn con làm bài tập toán, nhiều phụ huynh gặp phải những tình huống đặc biệt.
Trên MXH, từng xuất hiện 1 bài toán tiểu học ở Trung Quốc, được các phụ huynh chia sẻ, bàn luận. Câu trả lời của bài toán tưởng chừng là phép tính đơn giản nhưng lại bị giáo viên gạch sai.
Một phụ huynh có con học tiểu học tại Trung Quốc đã chia sẻ lại bài toán của con gái mình. Con gái của chị học toán rất giỏi, mỗi lần thi cuối kỳ đều đạt điểm tuyệt đối, xếp hạng top đầu trong lớp nhưng lần này bài thi toán chỉ được 95 điểm.
Khi cô bé cầm tờ bài thi về nhà, trên mặt cô bé thể hiện rõ sự không vui. Vị phụ huynh nhìn vào bài thi và phát hiện có điều gì đó không ổn. Chị thấy câu hỏi mà con gái làm sai là như thế này.
Cụ thể, đề bài như sau: “Heo Peppa đặt câu hỏi: Đứng trước tôi có 4 người, đứng sau tôi có 6 người. Hỏi tổng cộng có bao nhiêu người?”.
Với đề bài này, cô bé đã viết đáp án của mình là “4 + 6 + 1 = 11 (người)”, nhưng lại bị giáo viên đánh dấu đỏ và trừ 5 điểm.
Phụ huynh đã đọc đi đọc lại câu hỏi và phần trả lời của con gái, không phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào. Phụ huynh rất thắc mắc, nghĩ rằng giáo viên nhìn nhầm nên đã đánh dấu sai cho bài thi của con gái? Phụ huynh mang bài thi đến gặp giáo viên để hỏi rõ về câu hỏi này, lý do tại sao gạch sai đáp án đó.
Khi phụ huynh đến và bày tỏ sự thắc mắc, giáo viên toán đã trả lời: “Chú heo Peppa là một nhân vật hoạt hình, câu hỏi trong bài hỏi tổng cộng có bao nhiêu người trong hàng, vì vậy không thể tính chú heo Peppa vào, câu trả lời phải là 4 + 6 = 10 (người)”.
Sau khi nghe cô giáo giải đáp bài toán, vị phụ huynh cảm thấy bức xúc, không đồng ý với cách giải thích như vậy. Theo vị phụ huynh này, vì nếu đã nói như vậy, chú heo Peppa là một chú heo trong phim hoạt hình thì làm sao có thể đặt ra câu hỏi? Và làm sao có thể xếp hàng? Giáo viên đã phản biện rằng, mục đích của bài toán này là đang rèn luyện khả năng tư duy và ứng biến của trẻ.
Phụ huynh vẫn không hài lòng với cách giải thích này, cho rằng đề bài trong bài thi toán cần chặt chẽ, chứ không phải đưa ra những câu hỏi mập mờ như “đố mẹo”.
Các phụ huynh khác cũng lần lượt bày tỏ quan điểm của mình, nhiều người cho rằng những câu hỏi kiểu đố mẹo như vậy tốt nhất không nên dùng trong bài thi toán, mà chỉ nên dùng để các em làm thêm trên lớp.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về bài toán này, liệu có phù hợp với một bài thi toán tiểu học?
Tổng hợp: Toutiao
Minh Nguyệt