Nhiều người cho rằng, phụ huynh chỉ biết trách nhà trường mà không biết đặt mình vào vị trí người quản lý.
Từ trước đến nay, bữa ăn bán trú là sự thỏa thuận giữa gia đình và nhà trường. Phụ huynh nào ở gần trường có thể đón con về ăn trưa tại nhà, còn những người ở xa không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho con ăn bán trú. Điều này giúp trẻ có thêm thời gian nghỉ ngơi, và cha mẹ cũng đỡ vất vả, không phải chạy đôn chạy đáo giữa trưa để lo chuyện ăn uống cho con. Vì thế, hình thức này được phần lớn phụ huynh ưa chuộng.
Tuy nhiên mới đây, một phụ huynh ở TP.HCM lại bất ngờ than thở chuyện không được nhà trường cho đăng ký bán trú. Chia sẻ của chị khiến nhiều người bức xúc, trách nhà trường phân biệt đối xử. Dù vậy, khi bà mẹ này tiết lộ nguyên nhân, đồng loạt phụ huynh “quay xe”.
Ảnh minh hoạ |
Theo đó, lý do con chị bị từ chối là vì gia đình chị nợ tiền ăn bán trú… 1 năm. Mặc bà mẹ giải thích do năm vừa qua hoàn cảnh khó khăn cũng không mấy ai cảm thông. Chưa hết, chị còn khẳng định “năm nay công việc chưa khấm khá”, tức là khả năng có thể lo cho con ăn bán trú rất bấp bênh, không loại trừ việc “nợ cũ” chồng “nợ mới”.
“Đừng nhân danh con cái, đóng vai nạn nhân để đổ hết trách nhiệm cho nhà trường”
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng nhà trường đóng vai trò trung gian giữa nhà bếp và phụ huynh, chịu trách nhiệm quản lý suất ăn, phòng nghỉ trưa và các vấn đề liên quan. Nếu học sinh không đóng tiền ăn, nhà bếp lẽ ra nên ngừng cung cấp suất ăn sau 1 tuần hoặc 1 tháng, chứ không phải sau 1 năm, điều này đã là quá ưu ái. Trong tình huống này, nhà trường gặp khó khăn vì không thể chỉ kể lể khó khăn mà xong chuyện.
Nếu phụ huynh không có đủ điều kiện tài chính, họ có thể cho con theo học lớp 1 buổi hoặc 2 buổi nhưng tự đưa đón và mang cơm từ nhà để con ăn trưa và nghỉ ngơi tại trường. Nếu hoàn cảnh quá khó khăn, phụ huynh có thể viết đơn gửi nhà trường để xin xem xét, kêu gọi sự đóng góp hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có thể miễn giảm học phí và các khoản khác trong phạm vi quy định và khả năng của mình.
“Có vẻ bạn đăng bài để mong mọi người góp ý cách ép nhà trường phải cho con bạn được học bán trú và nợ thêm thì phải! Sinh con nuôi con, cho con ăn học là nhiệm vụ của cha mẹ. Đừng nhân danh con cái, đóng vai nạn nhân để đổ hết trách nhiệm cho nhà trường”, một người góp ý.
Trước những ý kiến của phụ huynh, bà mẹ trong câu chuyện nói trên phân trần: “Hồi trước con mình cấp 1 mình cũng không đến nổi vậy đâu. Tại vừa cất cái nhà xong là dịch tới nên 2 vợ chồng mình xoay không kịp, chứ cũng đâu muốn vậy. Giờ phường xem nhà lại không cho hộ nghèo bạn ạ”.
Lời giải thích của bà mẹ càng khiến ai nấy ngán ngẩm.
TP HCM bỏ khống chế tiền ăn bán trú của học sinh
Liên quan đến tiền bán trú, năm ngoái, HĐND thành phố Hồ Chí Minh ban hành nghị quyết 04 quy định mức thu các dịch vụ trong trường công lập, nhằm tránh lạm thu. Trong đó, giá suất ăn bán trú mà các trường nội thành được thu tối đa là 35.000 đồng mỗi học sinh. Ở ngoại thành, mức này là 32.000 đồng (đã gồm thuế VAT).
Tuy nhiên, nhiều trường ở nội thành sau đó cho rằng mức trần này không phù hợp với tình hình giá cả thị trường, khó đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh. Ý kiến này được UBND ghi nhận và đề xuất điều chỉnh.
Tiền ăn bán trú của học sinh sẽ do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh, theo thực tế thay vì áp mức 32.000 – 35.000 đồng cho cả thành phố.
Giữa tháng 7, HĐND thành phố thông qua nghị quyết mới, quy định các khoản, mức thu và cơ chế quản lý với các dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Tiền suất ăn bán trú và 14 khoản khác không còn được đề cập, như: tổ chức dạy tăng cường ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, câu lạc bộ, STEM, bơi lội; dạy học theo đề án; thực hiện chương trình kích cầu đầu tư; tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú, đồng phục, học liệu; trông giữ xe.
Việc bỏ mức trần nhiều khoản thu nhằm đảm bảo các quy định của Chính phủ và Luật giá.
Do đó, với các khoản thu này, trường học căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của phụ huynh, học sinh để xây dựng dự toán. Từ đó, trường tính toán mức cụ thể, đảm bảo thu đủ bù chi. Tỷ lệ tăng mức thu (nếu có) không được quá 15% so với năm học trước. Các khoản, mức thu phải được sự đồng ý của cha mẹ học sinh, được cấp quản lý phê duyệt.