Livestream – Cơ hội vàng trong kỷ nguyên thương mại điện tử: Việt Nam chứng kiến doanh số 1 tỷ USD/tháng
Bắt đầu phổ biến rộng rãi từ cuối năm 2021 – đầu năm 2022, livestream bán hàng đã trở thành một nghề mang lại thu nhập “khủng”, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung, KOLs (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) và cả người nổi tiếng. Đồng thời, các buổi livestream với loạt ưu đãi hấp dẫn cũng trở thành điểm mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng Việt.
Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường này khi người người, nhà nhà lên sóng chốt đơn, tạo nên một sân chơi sôi động nói chung và một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành thương mại điện tử nói riêng.
Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cho thấy trong năm 2024, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Doanh số của 5 sàn giao dịch phổ biến đạt trung bình 25.300 tỷ đồng, tương đương với khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.

Hàng loạt những Mega Live ra đời phục vu nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng
Theo thống kê từ Metric, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trong nửa đầu năm 2024 cho thấy, khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream,với thời gian trung bình dành cho các phiên livestream bán hàng lên đến 13 giờ/tuần (theo báo cáo của NIQ).

Nielsen, một công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu thị trường cho biết đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam đạt gần 15 triệu người, chiếm đến 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo nhằm đẩy mạnh tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa. Theo dự đoán của TikTok Shop, dự kiến năm 2025, thị trường ‘mua sắm giải trí’ tại Việt Nam sẽ đạt đến 8 tỷ đô la Mỹ.
Khi truyền hình thực tế và mua sắm Livestream được kết hợp: Người tiêu dùng ‘hưởng lợi’
Một trong những yếu tố hấp dẫn của livestream bán hàng chính là tính tương tác cao. Khách hàng có thể trực tiếp đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời ngay lập tức từ người bán. Điều này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về sản phẩm mà còn tạo nên một cảm giác gần gũi, tin cậy. Bên cạnh đó, những yếu tố giải trí như các trò chơi, mini-game, hay các phần quà tặng cũng làm tăng sự thú vị cho buổi livestream. Những người host (người dẫn chương trình livestream) thường là những người có khả năng giao tiếp tốt, biết cách tạo không khí vui vẻ, hài hước và cuốn hút người xem, thậm chí khá nhiều người nổi tiếng, KOL (người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội) cũng tham gia vào cuộc chạy đua này.

Lấy ví dụ, mới đây nhất, hai chương trình truyền hình thực tế chuyên về livestream bán hàng và mua sắm trực tuyến là Sao Săn Sale và Sàn Đấu Siêu Sao vừa được ra mắt cũng thu hút được sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng trẻ tuổi. Không chỉ là một chương trình livestream bán hàng thông thường, đây còn là một trải nghiệm giải trí và mua sắm hoàn toàn mới lạ, được thiết kế dành riêng cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt. Với sự đầu tư chuyên nghiệp từ Social Elite, mỗi phiên live là một cuộc phiêu lưu săn sale đầy thú vị, đưa khán giả đến những địa danh nổi tiếng trên khắp Việt Nam.
Điểm nhấn đặc biệt của “Sao Săn Sale” là sự kết hợp giữa mua sắm và quảng bá văn hóa Việt Nam. Mỗi phiên live được xây dựng theo một concept độc đáo, lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen mộc mạc, gần gũi, cùng với đó là trang phục truyền thống của khách mời, âm nhạc dân tộc và đặc biệt là danh mục sản phẩm xuất hiện trong phiên live.
Hay một ví dụ khác, “Sàn Đấu Siêu Sao” được biết tới là chương trình livestream bán hàng trên Shopee kết hợp những thử thách giải trí với format độc đáo. Đây là nơi những ngôi sao và các thương hiệu hàng đầu hội tụ, cùng nhau tạo thành 2 đội chơi đối đầu với nhau. Một sân chơi thương mại đầy kịch tính, vui nhộn và bất ngờ.


Mỗi buổi livestream không chỉ là một “đại chiến chốt deal” giữa các Siêu Sao đầy gay cấn mà còn là một hành trình gieo mầm thiện nguyện. Với mỗi siêu phẩm được bán ra, người theo dõi và khách hàng sẽ cùng nhau nuôi lớn Siêu Heo Đất, để rồi từ đó, tổng số tiền từ việc nuôi heo đất sẽ được gửi đến những tổ chức thiện nguyện, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.
Dù mới gia nhập thị trường livestream nhưng hai chương trình kể trên nhanh chóng lọt top 5 bảng xếp hạng Shopee, tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với khách hàng nhờ vào các ưu đãi hấp dẫn, tần suất livestream liên tục và những ‘deal hời’ hấp dẫn.
Có thể thấy, thời gian qua, livestream bán hàng thực sự là một cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ, biến việc mua sắm thành một trải nghiệm mới mẻ và đầy giải trí. Nó không chỉ đơn thuần là việc mua bán mà còn là một cuộc phiêu lưu, một show truyền hình thực tế mà ai cũng có thể tham gia. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự đa dạng của các nền tảng livestream, chắc chắn rằng hình thức này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều bất ngờ thú vị cho người tiêu dùng trong tương lai.
Diệu Đan