Chi tiêu cho gia đình 4 thành viên với 20 triệu ở Hà Nội như thế nào?
Quản lý chi tiêu cá nhân đã là một việc không hề đơn giản, nhưng việc quản lý chi tiêu cho cả một gia đình còn phức tạp hơn nhiều. Đặc biệt với những cô gái từ độc thân trở thành mẹ bỉm sữa, đây thực sự là một thách thức.
Uyên từ một cô gái độc thân với thu nhập ở mức khá đã trở thành mẹ bỉm sữa. Cô sinh bé đầu 10 năm trước và mới đây đã sinh bé thứ hai, hiện tại em bé được 9 tháng tuổi.
Do tính chất công việc và điều kiện của gia đình, bé út đã được gửi vào trường mẫu giáo để cô có thể trở lại làm việc. Con trai 10 tuổi hiện đang học lớp 5 tại một trường công lập, nhưng vì là năm cuối cấp 1 nên cô phải cho con học thêm. Bên cạnh đó, cậu bé lớn nhà Uyên là một em năng động nên cũng tham gia một số lớp học thể thao.
Tổng thu nhập của gia đình Uyên là 35 triệu, chưa bao gồm các khoản thu nhập phát sinh, vì các khoản này sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản tiết kiệm. Thu nhập trung bình hàng tháng của cả hai vợ chồng rơi vào khoảng 50 triệu.
Gia đình Uyên phân chia tài chính khá rõ ràng: thu nhập của Uyên sẽ dùng để chi trả các khoản phí sinh hoạt của gia đình trong một tháng. Lương của chồng và các khoản thu nhập không cố định sẽ được dùng để tiết kiệm.
Với số tiền tiết kiệm này, sau 10 năm gia đình Uyên đã có đủ điều kiện để mua một chiếc ô tô tiện cho việc đi lại. Gần đây, vợ chồng cô cũng đã mua một mảnh đất nhỏ với mục đích chủ yếu là để tích lũy.
Như vậy mỗi tháng, Uyên chỉ có thể sử dụng 20 triệu cho toàn bộ chi phí của một gia đình 4 thành viên.
Ngay khi có lương cuối tháng, Uyên sẽ chia tiền làm 2 quỹ, mỗi quỹ 10 triệu. Một quỹ là quỹ cho con, quỹ còn lại là quỹ chi tiêu chung.
Quỹ cho con sẽ bao gồm các khoản như sau:
1. Tiền học con lớn: 2 triệu
2. Tiền học thêm và thể thao của con lớn: 1 triệu
3. Tiền học của con nhỏ: 4 triệu
4. Bỉm sữa của con nhỏ: 2 triệu
5. Tiêm chủng, thuốc men, bổ sung sức khỏe: 1 triệu
Qũy chi tiêu chung sẽ bao gồm các khoản như sau:
1. Tiền điện nước dịch vụ: 2 triệu
2. Tiền ăn: 5 triệu
3. Cafe, đi chơi cuối tuần: 500.000
4. Đồ gia dụng trong nhà: 200.000
5. Đi lại: 1,2 triệu
6. Phát sinh: 1 triệu
Với khoản phát sinh ở quỹ chi tiêu chung, sẽ có tháng vượt hạn mức nhưng cũng có tháng không dùng hết. Những tháng không dùng hết sẽ được bù vào những tháng dùng vượt hạn mức.
Về ăn uống, Uyên có một hàng bán thịt quen và mỗi tuần cô sẽ lên danh sách để gọi một lần, đồ ăn sẽ đc chia cho từng ngày và tính đủ số bữa cho tuần để gọi thịt không bị thừa cũng không bị thiếu. Gia đình Uyên chủ yếu ăn vào bữa tối còn bữa trưa thì chồng cô và các con đều ăn ở cơ quan và trường học.
Như vậy mỗi ngày khi đi làm về đón các con, Uyên chỉ mua thêm rau để nấu cho ngày hôm ấy. Trước khi ra chợ, cô sẽ ghi ra những thứ cần mua và tuyệt đối không mua thêm bất kỳ thứ gì nằm ngoài danh sách đã lên trước đó.
Đời sống tinh thần không thể xem nhẹ và Uyên cho rằng cả tuần đã đi làm thì cuối tuần nghỉ ngơi, đi chơi đó đây cùng gia đình là điều nên làm và cũng là để các con có thời gian chơi cùng bố mẹ.
Về khoản đi lại, vì gia đình Uyên có ô tô riêng nên không thể tránh khỏi việc chi phí xăng dầu sẽ khá cao.
Uyên cho biết, trong thời gian đầu khi áp dụng cách quản lý chi tiêu này, cô gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc cân đối chi phí ăn uống của gia đình. Tuy nhiên, hiện tại mọi thứ đều rất ổn và không còn khó khăn gì với các thành viên trong nhà.
Ngoài ra, cô cũng chia sẻ rằng để quản lý chi tiêu hiệu quả, việc quan trọng là cố gắng không tạo ra những tình huống dễ dẫn đến phát sinh chi phí. Ví dụ, luôn chuẩn bị thực phẩm để có món ăn sẵn vào buổi tối, cơm trưa cần chuẩn bị trước và đặt ở vị trí cố định để không quên mang đi làm. Tránh phát sinh việc đi chơi vào các ngày thường, mọi chuyến đi nên có kế hoạch hoặc chỉ đi vào ngày cuối tuần.