Trong hành trình làm cha mẹ, không gì khiến họ đau lòng hơn khi nhìn thấy con cái mình đi sai đường. Những đứa trẻ không nghe lời, bướng bỉnh hay thậm chí hư hỏng không chỉ là nỗi lo, mà còn là vết thương âm ỉ trong trái tim của những người đã dành cả đời để yêu thương và kỳ vọng vào chúng. Bởi lẽ, dù con đúng hay sai, cha mẹ vẫn luôn là những người âm thầm gánh chịu tất cả.
Mới đây, tại Chiết Giang (Trung Quốc), một cư dân mạng đã chia sẻ trên nền tảng xã hội của mình đoạn video về một cô bé 16 tuổi bỏ nhà theo bạn trai. Sau khi biết sự việc, cha mẹ cô bé đã đuổi đến tận ga tàu cao tốc nhưng cô bé vẫn nằng nặc không chịu về nhà. Video vừa được đăng tải đã thu hút sự quan tâm lớn.
Trong đoạn video, có thể thấy cảnh cô bé đôi co trực tiếp với cha mình trong trạng thái cảm xúc vô cùng kích động. Người cha chỉ tay vào con gái, yêu cầu cô bé về nhà, nhưng cô bé nhất quyết không chịu làm theo, khăng khăng muốn đi cùng bạn trai.
Qua cuộc trò chuyện giữa hai cha con, mọi người cũng hiểu được phần nào câu chuyện. Hóa ra, cô bé năm nay mới 16 tuổi, đáng lẽ ra đang ở độ tuổi cắp sách đến trường. Thế nhưng, tâm lý nổi loạn đã khiến cô không chuyên tâm học hành. Cô nảy sinh tình cảm với một bạn trai, rồi không biết vì lý do gì lại nhất quyết muốn rời bỏ gia đình để cùng bạn trai “bỏ trốn”.
Tại ga tàu cao tốc, cha mẹ đã kịp đuổi theo cô bé và bạn trai, khi họ chạm mặt nhau thì đã dẫn đến màn tranh cãi này. Người cha tỏ rõ sự thất vọng, nhưng cô bé một mực không nghe lời, thậm chí còn lớn tiếng mắng ngược lại cha mình.
Cuộc cãi vã giữa hai cha con thu hút sự chú ý của rất nhiều người qua đường. Từ lời qua tiếng lại, không khó để nhận ra rằng cô bé vốn dĩ đã không nghe lời từ trước. Cô bé đang trong giai đoạn phản nghịch, càng cấm càng thích làm. Không chỉ yêu sớm, cô bé còn quyết tâm “bỏ trốn” cùng bạn trai.
Suốt màn tranh cãi giữa hai cha con, cậu đứng ngay bên cạnh, im lặng không nói gì cũng chẳng bày tỏ thái độ gì.
Chứng kiến cảnh tượng này, một số cư dân mạng bình luận: “Cứ để mặc đi, phản nghịch quá rồi. Không để con tự trải qua đau khổ, con sẽ không bao giờ hiểu được nỗi lòng của cha mẹ. Bây giờ càng ngăn cản, con càng hận cha mẹ, rồi đến sau này xảy ra chuyện lại quay sang đổ lỗi cho gia đình của mình”, “Ông bố trong câu chuyện đáng ra nên bình tĩnh một chút, vì con cái bướng bỉnh mà mình cứ nghiêm khắc quá thì chúng không nghe đâu, mềm mỏng lại một chút có khi lại hiệu quả”, “Thấy thương cho người làm cha làm mẹ quá, muốn tốt cho con mà con đâu có chịu thấu hiểu”…
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện tranh cãi nói trên có lẽ đến từ nhiều yếu tố. Tính cách của một đứa trẻ trở nên quá cực đoan chắc chắn phần nào bắt nguồn từ những hạn chế trong cách nuôi dạy của cha mẹ. Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng mọi lỗi lầm đều thuộc về cha mẹ, bởi bất kỳ sự việc nào cũng đều có những nguyên nhân cụ thể. Cô bé đã lớn lên trong môi trường như thế nào? Quan hệ giữa cô và cha mẹ thế nào? Phương pháp giáo dục mà cô nhận được ra sao? Những điều này không ai nắm rõ.
Việc rời bỏ gia đình để đi theo người khác là sai lầm, nhưng những thiếu sót trong giáo dục cũng là một lỗi đáng xem xét. Nếu cô bé có thể ngồi lại để đối thoại cởi mở với cha mẹ, có lẽ mọi chuyện đã không đi vào bế tắc. Dẫu vậy, điều cốt yếu là cả hai bên cần nhận thức được vấn đề của chính mình, từ đó mới có thể thấu hiểu nhau và cùng thay đổi để tìm ra giải pháp.
Theo Sohu
Đông