Nếu không có phản ánh từ những người nắm được thông tin sự việc, các cơ quan báo chí không can thiệp thì có lẽ các cháu bé ở đây vẫn phải sống trong “địa ngục trần gian” với những bảo mẫu tàn nhẫn và hung ác như vậy.
Theo số liệu thống kê từ các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến các trường hợp trẻ bị bạo hành, tỷ lệ đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có tới 97% số vụ bạo hành mà kẻ gây ra lại là người thân hoặc người quen của nạn nhân.
Trẻ sẽ hình thành ác mộng
Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai), những đứa trẻ dù chưa đủ khôn lớn, nhưng nếu chăm sóc ở môi trường bạo lực, hay bạo hành, thì hậu quả vô cùng nặng nề do hình thành trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ.
“Ám ảnh bởi hành vi, thái độ, thậm chí là lời nói của những bảo mẫu có tính nóng nảy, hung hãn khiến trẻ dần trở nên nhút nhát, tự ti, dễ mắc phải các rối loạn liên quan đến stress, lo âu và trầm cảm. Vì thiếu tình yêu thương, ánh mắt thiện cảm nên khi trẻ sẽ hình thành những nét nhân cách có tính chất ứng phó môi trường đang phải tồn tại theo những cách khác nhau. Có những trẻ có thể có những biểu hiện bệnh lý về cảm xúc, hành vi, nhưng có những trẻ có thái độ hận thù hay tức giận và ảnh hưởng đến những hành động trong tương lai của trẻ”, TS Huyền chia sẻ.
Điều trị phải kéo dài để có thể hồi phục toàn diện cả về thể chất và tinh thần
Trong quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, BS Huyền đã và đang điều cho rất nhiều trường hợp là nạn nhân của các vụ bạo hành. Trong số này, những nạn nhân bị chính người thân của mình đối xử, hậu quả tăng gấp đôi vì việc điều trị, chữa lành do hậu quả của tình trạng bạo lực này khó khăn hơn, để lại hậu quả cho nạn nhân, gia đình và xã hội nặng nề hơn vì bệnh nhân khó hòa nhập trở lại cuộc sống bình thường, cần nhiều biện pháp trị liệu về tâm lý kèm theo điều trị về thuốc trong một thời gian dài. Không những vậy, trẻ bị bạo hành còn bị đau đớn về mặt thể xác nên việc chăm sóc, điều trị sẽ phải kéo dài để có thể hồi phục toàn diện cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
“Bởi lẽ, tới lúc này bệnh nhân đã bị rối loạn giấc ngủ, đã hình thành tâm lý hoảng sợ, thường xuyên gặp ác mộng, dẫn đến rối loạn cảm xúc không làm chủ được bản thân. Trong khi đó, thời điểm này những người thường xuyên gắn bó với nạn nhân (như bảo mẫu, hay người thân) thì đã né tránh, hoặc bị pháp luật xử lý nên nạn nhân không còn người bên cạnh, nhất là đối với những đứa trẻ xuất thân từ mái ấm…”, chuyên gia phân tích.
Ngày 5/9, thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc, một nguồn tin cho biết, Công an quận 12 (TP HCM) đang tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (chủ Mái ấm Hoa Hồng, đường Tô Ký, quận 12) cùng các bảo mẫu, bảo vệ, nhân viên mái ấm để củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
UBND quận 12 cho biết sau điều tra của báo chí, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Tại thời điểm kiểm tra, Mái ấm Hoa Hồng đang nuôi 86 trẻ, trong đó, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1-2 tuổi; 31 trẻ từ 3-5 tuổi đang học mầm non; 3 trẻ từ 6-12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Có 15 nhân viên đang phục vụ tại Mái ấm Hoa Hồng.
Theo UBND quận 12, mái ấm chỉ được nuôi dưỡng tối đa 39 trẻ nhưng tại thời điểm kiểm tra thì vượt 47 trẻ theo quy định.
Các cơ quan chức năng quận 12 đã lập hồ sơ đưa 86 trẻ về các cơ sở bảo trợ trực thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP HCM để tiếp tục, chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định.
Trong đó, đưa 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 36 trẻ vào Làng Thiếu Niên Thủ Đức, 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 1 trẻ đang nằm bệnh viện điều trị bệnh viêm phổi.
Đối với Mái ấm Hoa Hồng, UBND quận 12 đã chỉ đạo ban hành quyết định đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động.
UBND quận 12 cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của những người làm việc tại mái ấm, đồng thời xác định và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.
Ngoài ra, UBND quận 12 chỉ đạo tăng cường giám sát công tác quản lý và chăm sóc trẻ tại các cơ sở bảo trợ, trợ giúp xã hội trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động không phép; rà soát tình trạng cấp phép của các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn.