Ở chung cư, cứ tưởng là có sự riêng tư, nhà nào biết nhà ấy thôi nhưng cũng rất lắm khi “ngoại lệ”. Vấn đề chính là sự ngoại lệ này chẳng mấy tốt đẹp, khiến nhiều người khó chịu nên mới thành ra tranh cãi, bức xúc.
Chia sẻ với chúng tôi, chị H. – Cư dân một dự án chung cư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết 2 tuần nay, khu chị xôn xao hết cả lên chỉ vì… cái nhà vệ sinh khu vực lễ tân.
Chuyện “đi vệ sinh nhờ” và hơi thở dài của những người phải chịu đựng sự vô ý thức!
Vấn đề là như sau: Tầng trệt của tòa chung cư là khu vực lễ tân, có 2 phòng vệ sinh. Theo lẽ thường, 2 phòng vệ sinh này chỉ được dùng bởi nhân viên lễ tân, bảo vệ và các cô lao công. Điều này quá dễ hiểu, sống ở chung cư thì nhà nào chẳng có toilet riêng, đâu cần phải “dùng ké” ở khu lễ tân tầng trệt?
Người ngoài dĩ nhiên ai cũng suy nghĩ như vậy, nhưng ở khu chung cư nơi chị H. sinh sống thì câu chuyện lại không hề đơn giản đến thế.
“Không hiểu kiểu gì, rất nhiều người đi vệ sinh ở tầng lễ tân. Mình đoán là các bà đưa cháu xuống sân chơi, hoặc các mẹ đi chợ mà đợi thang máy lâu quá chăng, nên mới hay đi nhờ nhưng mà lại chẳng có ý thức. Lúc thì quên không xả nước, lúc thì ném giấy ra sàn dù cái thùng rác ngay cạnh, rồi băng vệ sinh với tã cũng ném hết ra sàn. Chán vô cùng, người ra kẻ vào ai cũng phải đi qua tầng 1, nhà vệ sinh ở mãi trong góc mà khai um lên” – Chị H. chia sẻ.

“Lớn rồi nhưng rất vô ý thức” – Chị H. thở dài khi chia sẻ hình ảnh miếng băng vệ sinh trên sàn nhà vệ sinh ở tầng lễ tân chung cư
Theo lời chị H., tình trạng này đã diễn ra khá lâu chứ không phải gần đây. Sau nhiều lần cư dân than vãn lẫn góp ý, cộng thêm cả những lời phàn nàn của bộ phận lễ tân lẫn các cô lao công, thì Ban quản lý cũng đã có thông báo hạn chế sử dụng nhà vệ sinh ở tầng 1 của tòa chung cư.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn không tuân thủ.
“Cứ bảo là xin đi vệ sinh nhờ thôi mà không cho, làm gì mà quá quắt lên thế, nhưng đồng ý cho 1 người đi nhờ thì chẳng lẽ những người khác từ chối? Mà 1 tòa chung cư có tới mấy trăm hoặc cả nghìn người, ai cũng thi thoảng nhờ tí thì dọn sao cho kịp? Các cô vệ sinh là vệ sinh cho hành lang của mấy chục tầng, chứ có phải lo dọn mỗi 2 cái nhà vệ sinh đâu. Có thế thôi mà nhiều người cũng không hiểu, cứ bảo lễ tân với ban quản lý khó tính” – Chị H. phân tích.
Ở đâu cũng phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung!
Sau cánh cửa mỗi căn hộ là một thế giới riêng tư, nơi mỗi cư dân được tự do bài trí, sử dụng và tận hưởng không gian theo sở thích cá nhân của mình. Tuy nhiên, khi bước chân ra khỏi ngưỡng cửa ấy, chúng ta bước vào một không gian chung: Là hành lang, sảnh chờ thang, nơi cư dân tiếp xúc, tương tác và cảm nhận về môi trường sống của mình.
Việc giữ gìn vệ sinh, mỹ quan ở các không gian chung như vậy rõ ràng là điều tất yếu. Nhưng tiếc là không phải ai cũng hiểu, nên mới có tình trạng “ô nhiễm không khí” và chuyện bức xúc như những gì chị H. đã chia sẻ phía trên.

Ảnh minh họa
Vậy tại sao chúng ta nên trân trọng và giữ gìn những không gian chung?
Thứ nhất, đó là sự tôn trọng lẫn nhau. Chung cư là một cộng đồng thu nhỏ, nơi nhiều gia đình với những nền văn hóa, lối sống khác nhau cùng sinh sống. Việc giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng không gian chung thể hiện sự tôn trọng đối với những người hàng xóm xung quanh. Một hành lang sạch sẽ, không rác thải, một sảnh chờ ngăn nắp, không vật dụng cá nhân bừa bộn, không “mùi khó chịu” sẽ tạo cảm giác thoải mái cho tất cả mọi người, bao gồm cả chính mình. Ngược lại, một không gian nhếch nhác, bừa bộn sẽ gây khó chịu, thậm chí là bức xúc cho những người xung quanh, làm nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có.
Thứ hai, mỹ quan không gian chung ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Hãy tưởng tượng bạn trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, bước vào một hành lang bốc mùi “í ẹ”, chắc chắn, cảm giác mệt mỏi sẽ nhân lên gấp bội. Một không gian sống đẹp, sạch sẽ không chỉ mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu mà còn góp phần nâng cao tinh thần lẫn sự hài lòng về môi trường sống.
Thứ ba, giữ gìn không gian chung còn là trách nhiệm của mỗi cư dân. Chúng ta đều là một phần của cộng đồng chung cư, và mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều có tác động đến môi trường sống xung quanh. Việc đi vệ sinh đúng nơi, vứt rác đúng chỗ, và nhắc nhở lẫn nhau cùng chung tay bảo vệ không gian chung không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người. Mỗi cá nhân đều phải có ý thức trách nhiệm mới được.
Thứ tư, mỹ quan không gian chung còn là yếu tố quan trọng trong việc duy trì và gia tăng giá trị bất động sản. Một khu chung cư được quản lý tốt, có không gian chung sạch đẹp, văn minh chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều người mua và thuê nhà.
Trong bối cảnh các khu đô thị ngày càng phát triển, chung cư trở thành một hình thức nhà ở phổ biến, việc xây dựng ý thức giữ gìn mỹ quan và không gian chung không chỉ là một hành động văn minh mà còn là một yếu tố then chốt để tạo nên một cộng đồng gắn kết, một môi trường sống chất lượng và bền vững.
AMT