Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Yagi (bão số 3) được đánh giá là siêu bão và đã thiết lập kỷ lục tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Việt Nam, khi mạnh lên 8 cấp chỉ trong 2 ngày. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4. Đây là lần thứ ba trong lịch sử Trung tâm phát đi cảnh báo này và là lần đầu tiên cấp độ rủi ro thiên tai này được áp dụng ở vịnh Bắc Bộ nước ta. Điều này cho thấy người dân cần hết sức thận trọng trước mức độ và khả năng tàn phá của siêu bão Yagi.
Vào hồi 8 giờ sáng ngày 7/9, bão Yagi vẫn đang di chuyển trong Vịnh Bắc Bộ. Dự kiến trưa nay bão sẽ đi vào Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió cấp 11-12.
6 điều tuyệt đối không được làm khi bão Yagi đổ bộ
Để bảo vệ bản thân và gia đình khi bão đổ bộ, mọi người cần tránh làm những điều sau đây:
1. Ra khỏi nhà
Khi bão đổ bộ, tốt hơn hết người dân nên ở trong nhà để bảo đảm an toàn, đặc biệt là người dân sống ở khu vực bão đổ bộ trực tiếp. Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, cần mang theo điện thoại di động, đèn pin hoặc còi để phòng trường hợp có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, người dân cần tuân thủ các cảnh báo về đường ngập lụt của các cơ quan chức năng, tuyệt đối không điều khiển các phương tiện giao thông ở những khu vực bị ngập lụt để tránh bị lũ cuốn hoặc chết máy.
2. Cư trú ở những tòa nhà quá cũ hoặc xuống cấp
Sức mạnh của siêu bão có thể khiến những tòa nhà cũ hoặc xuống cấp bị đổ. Do đó, người dân nên tránh tới gần hoặc cư trú ở những tòa nhà đã được chính quyền địa phương xác định là không còn an toàn như vậy. Nếu đang ở trong nhà và nghe thấy tiếng động lạ hoặc tiếng động bất thường, cần di chuyển ra khỏi nhà ngay lập tức. Tiếng động lạ có thể là dấu hiệu cho thấy tòa nhà sắp đổ.
Người dân cũng không nên trú dưới gốc cây, tòa nhà có nguy cơ đổ sập trong bão.
3. Mất cảnh giác với đường dây điện
Hãy cẩn thận với đường dây điện trên cao vì chúng có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nếu thấy dây điện bị rơi xuống, hãy gọi ngay cho cơ quan chức năng để được khắc phục kịp thời.
Ngoài ra, cần tránh giẫm lên những cây, cành cây bị đổ trên đường vì chúng có thể có kéo theo dây điện.
4. Lơ là với ngộ độc khí carbon monoxide
Khi bão đổ bộ, nhiều địa phương có thể bị cắt điện và các hộ gia đình thường có thói quen sử dụng các thiết bị như máy phát điện. Đây là thiết bị đốt nhiên liệu tạo ra carbon monoxide (CO) tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc loại khí này cho gia đình bạn.
Khí CO không màu, không mùi. Nếu tích tụ quá nhiều trong nhà, bạn có thể bị ngộ độc và tử vong. Do đó, nếu dùng máy phát điện, hãy để thiết bị ở bên ngoài căn nhà. Bạn cũng có thể lắp thêm máy dò CO để phát hiện kịp thời trường hợp tích tụ khí CO trong nhà. Ngoài máy phát điện, một số thiết bị gia dụng khác cũng có thể tạo ra khí CO đó là lò nướng than, máy nước nóng chạy bằng gas, bếp củi,…
5. Sử dụng thiết bị điện bị ướt
Sử dụng thiết bị điện bị ướt có thể khiến bạn bị điện giật. Khi bão đổ bộ, hãy che chắn các ổ điện, cầu dao điện, các thiết bị điện khác cẩn thận. Nếu có ngập nước, cần tắt nguồn điện tại cầu dao chính trong nhà. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ cảnh báo, khi bị mất điện, hãy sử dụng đèn pin thay vì nến để tránh nguy cơ lửa bắt vào những vật dụng dễ cháy trong nhà.
6. Không chú ý tới chất lượng nguồn nước và thực phẩm
Bão lũ có thể khiến nguồn nước sinh hoạt trong gia đình bị ô nhiễm. Nếu dùng nguồn nước này để nấu ăn, pha sữa, sinh hoạt có thể vô tình khiến cả gia đình bạn bị mắc bệnh. Do đó, hãy kiểm tra kỹ nguồn nước của gia đình và theo dõi thông báo của các cơ quan chức năng về chất lượng nguồn nước tại nơi bạn đang sinh sống. Nên sử dụng nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước đã được xử lý an toàn để uống, nấu ăn và vệ sinh cá nhân.
Bên cạnh nguồn nước, cũng cần chú ý tới chất lượng nguồn thực phẩm. Cần tránh ăn những thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ, thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc thực phẩm đã thay đổi mùi, vị, màu sắc để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.