Hằng Du Mục cho biết, bác sĩ phải mất 3 giờ để hoàn thành việc khâu vết thương. Hot TikToker này không kể chi tiết mọi việc đã xảy ra suốt những năm qua, nhất là 3 tháng gần đây.
Cô chỉ muốn bày tỏ: “Hãy ngưng mang đến sự tổn thương về tinh thần và thể xác cho những đứa trẻ và phụ nữ. Đừng giao cuộc đời mình cho ai cả, là phụ nữ hãy vực dậy để làm chủ cuộc đời mình. Ngoài mạnh mẽ ra, chỉ có thể là mạnh mẽ hơn. Không có yếu đuối…”.
Nhiều phụ nữ không nhận ra mình bị bạo lực, xem đó là “bổn phận”
T.S Bác sĩ Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, để mâu thuẫn xung đột dẫn đến bạo lực ở mức độ nghiêm trọng như vậy, những vấn đề đó phải xảy ra từ lâu, tích lũy lại và Hằng Du Mục đã phải chịu đựng đến mức không thể tiếp tục, cần phải nhờ đến sự trợ giúp của công chúng, chính quyền, và pháp luật.
Và đây không chỉ là một trường hợp, mà còn nhiều hoàn cảnh tương tự, nhưng những người phụ nữ vẫn âm thầm chịu đựng cảnh bạo lực về thể chất và tinh thần mà không dám lên tiếng, không dám dứt khoát ly hôn. Họ không thoát ra khỏi cái vòng kim cô của những cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì nhiều lý do khác nhau.
“Nhiều bệnh nhân đến khám bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe tâm thần chia sẻ với bác sĩ những lý do mà người bệnh phải chấp nhận cuộc sống gia đình có bạo lực đó là: Họ không muốn con cái bị ảnh hưởng tâm lý bởi sự chia tay của bố mẹ. Nhiều bệnh nhân đã rạn nứt, nhưng vì sợ con cái có những vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu, bỏ học chơi game chơi điện tử… nên họ lại chấp nhận quay lại với nhau”.
Đặc biệt ở các khu vực nông thôn, những người phụ nữ thường chịu áp lực của những phong tục tập quán lạc hậu, bảo thủ. Phụ nữ phải cam chịu, phải chấp nhận, phải có tính hy sinh vì chồng vì con. Nam giới được đề cao hơn, kể cả khi họ có uống rượu say, hay có những thói hư như cờ bạc, gia trưởng, không giúp đỡ công việc trong gia đình, người phụ nữ vẫn phải chịu đựng và coi đó là trách nhiệm của mình. Vì vậy, họ không nhận ra rằng mình đang bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần, và vẫn coi đó là những việc bình thường, cho rằng đó là nghĩa vụ của phụ nữ.
“Để có được một xã hội văn minh, chúng ta cần thay đổi thái độ về vấn đề bạo lực gia đình, tự bảo vệ mình, yêu thương mình và không chấp nhận, chịu đựng để đến khi hậu quả xảy ra nặng nề thì người phụ nữ đã chịu nhiều tổn thất về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần”, chuyên gia nhấn mạnh.
Chu kỳ bạo lực và vòng tròn kiểm soát
Ông Lê Xuân Đồng – Chuyên gia Quốc Gia về Giới và Phát triển xã hội (Trung tâm nghiên cứu Môi trường và sức khỏe), chia sẻ, trong bạo lực giới có khái niệm chu kỳ bạo lực và vòng tròn kiểm soát, 2 lý thuyết này giải thích phần lớn cho vấn đề “Vì sao có những người phụ nữ bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân bạo lực? Thậm chí nhiều người không nhận ra mình đang bị bạo hành, bắt đầu từ lời nói, tâm lý, cho đến bạo hành thể xác”.
Theo chuyên gia, chu kỳ bạo lực hay còn gọi là vòng lặp bạo lực cho ta thấy cách mà mối quan hệ bạo lực được thiết lập và duy trì. Bạo lực thường mang tính chu kỳ, có xu hướng tái diễn và có xu hướng gia tăng.
Bạo lực có thể xảy ra một cách gián đoạn theo từng sự kiện hoặc có thể được duy trì liên tục trong một khoảng thời gian và thường được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn ngọt ngào; giai đoạn tích lũy căng thẳng và giai đoạn bạo lực căng thẳng.
Giai đoạn ngọt ngào: Sau khi bạo lực diễn ra thường sẽ có một khoảng thời gian êm đẹp. Do sự phản kháng của người bị bạo lực (NBBL) , người gây bạo lực (NGBL) sẽ dùng lời lẽ, hành động nhằm xoa dịu nạn nhân, duy trì sự ổn định trong mối quan hệ của hai bên bằng việc đổ lỗi cho các yếu tố tác động như uống rượu, căng thẳng, mệt mỏi, áp lực… NGBL cũng có những hành động thể hiện sự quan tâm tới NBBL nhiều hơn bình thường như bày tỏ sự hối hận, xin lỗi, tặng quà… Thái độ hối hận của NGBBL làm NBBL không ngừng hy vọng rằng mối quan hệ giữa họ sẽ thay đổi và hành vi bạo lực sẽ chấm dứt.
Giai đoạn tích lũy căng thẳng: sau khoảng thời gian làm lành đó, sự căng thẳng bắt đầu hình thành trở lại. NGBL vẫn duy trì thói quen kiểm soát và gây áp lực với NBBL để củng cố quyền lực của mình. Trong khi đó, NBBL có tâm lý cho rằng bạo lực xảy ra một phần có lỗi từ mình nên lại cố gắng chịu đựng, nhẫn nhịn và thậm chí còn cố gắng làm vừa lòng NGBL để mong tình trạng bạo lực lắng xuống.
Giai đoạn bạo lực căng thẳng: Trạng thái căng thẳng bị phá vỡ bằng việc NGBL tạo cớ, gây xung đột và tiếp tục gây ra những hành động bạo lực. Mức độ bạo lực thường tăng theo thời gian và lặp đi lặp lại thường xuyên hơn với hành vi bạo lực nặng hơn theo mức độ phản kháng của NBBL (từ cái tát đến đấm, đá rồi dung hung khí, dao hoặc bất cứ đồ vật gì có thể làm tổn thương NBBL). NBBL khi bị tổn thương cả về tâm lý và thể chất lâu ngày sẽ dẫn đến tâm lý buồn chán, đau khổ, thậm chí chống đối NGBL, bỏ bê không chăm sóc bản thân và gia đình… Khi đó, NGBL sẽ tìm cách đổ lỗi cho NBBL và không thừa nhận hành vi của mình.
“Việc hiểu rõ chu kỳ của bạo lực giúp NBBL nhận thức được là họ không có lỗi trong việc xảy ra bạo lực và NGBL mới chính là người phải chịu trách nhiệm cho hành vi của họ. Bạo lực sẽ không bao giờ chấm dứt nếu NBBL và NGBL không có những giải pháp hợp lý và không có sự can thiệp của các thành viên khác trong các vòng tròn sinh thái xung quanh. Kỹ năng xử lý mối quan hệ NGBL-NBBL có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ bạo lực, nhất là các kỹ năng xử lý các mâu thuẫn để mâu thuẫn không dẫn đến bạo lực”.
Chuyên gia giới Lê Xuân Đồng nhấn mạnh: “Hầu như cặp đôi nào cũng có mâu thuẫn nhưng không phải trường hợp nào cũng dẫn đến bạo lực. Khi xác định NBBL đang ở giai đoạn nào của bạo lực cũng sẽ giúp họ phòng và ứng phó với bạo lực hiệu quả hơn”.