Sự kiện nghệ thuật “Hoa Mộc Lan” đã mang đến góc nhìn mới của các bạn trẻ về bình đẳng giới và chấm dứt quấy rối tình dục đối với phụ nữ
Không chỉ là một sự kiện nghệ thuật đơn thuần, “Hoa Mộc Lan” còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc khi 70% doanh thu từ việc bán vé sẽ được quyên góp cho Hopebox – một doanh nghiệp xã hội giúp đỡ những người phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới.
Chia sẻ về ý tưởng và động lực thực hiện dự án, Trần Hiểu Linh (học sinh trường Mahindra United World College, Ấn Độ) và Lê Ngọc Châu Anh (học sinh trường The Olympia School, Hà Nội) cho biết: cả hai đều nhận thấy rằng vấn đề quấy rối tình dục là một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia phát triển. Thông qua nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu kịch và nhiếp ảnh, các bạn muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng.
“Thông điệp mà em muốn lan tỏa thông qua vở kịch “Lặng” là những nạn nhân bị quấy rối tình dục có thể chọn lên tiếng hoặc không lên tiếng, quyền quyết định thuộc về họ và chúng ta cần tôn trọng điều đó. Em muốn thông qua những hành động của diễn viên, thông qua những câu chuyện có thật được đưa vào vở kịch, mọi người có thể thấy được khía cạnh, góc nhìn từ phía nạn nhân, hiểu được việc họ “khó để lên tiếng như thế nào”, thậm chí là tình cảnh “đơ cứng” khi bị quấy rối ra sao, chúng em muốn cho mọi người biết khía cạnh đó để đừng đổ lỗi cho nạn nhân. Em cũng muốn lan tỏa rằng, nạn nhân không hề yếu đuối, họ dũng cảm và mạnh mẽ hơn bất kỳ ai.” – Hiểu Linh chia sẻ.
“Chủ đề của triển lãm ảnh tại sự kiện Hoa Mộc Lan là những tiêu chuẩn về sắc đẹp của xã hội đối với người phụ nữ. Thông qua một icon caption facebook post đặt tại sự kiện, chúng em đã dùng rất nhiều lời bình luận của mọi người về vẻ ngoài của người phụ nữ tưởng chừng như vô hại như “ôi dạo này béo thế”, “sao dạo này đen thế”… để mọi người dễ dàng hình dung về những tiêu chuẩn vẻ đẹp cứng nhắc: là phụ nữ đẹp phải gầy, phải trắng. Mặc dù những bình luận đó nghe có vẻ nhẹ nhàng, bình thường thôi nhưng nó có sức nặng rất lớn đè lên sự tự tin và có thể để lại những vết thương sâu trong tâm hồn người phụ nữ.
Càng ngày thế hệ gen Z chúng em càng nhìn điện thoại nhiều hơn. Và những thông tin về vẻ đẹp tiêu chuẩn, về giảm cân… đều ồ ạt, tràn lan trên khắp các nền tảng xã hội. Có rất nhiều bạn của em đang cố gắng để trở nên gầy hơn, đẹp hơn theo đúng cái đẹp tiêu chuẩn đấy.
Qua những tác phẩm tại triển lãm ảnh, em mong muốn mọi người nhìn nhận phụ nữ một cách toàn diện hơn, với sự tôn trọng sâu sắc, không chỉ đánh giá họ qua vẻ bề ngoài mà còn quan tâm đến những gì họ làm được, những giá trị mà họ mang lại cho cuộc sống” – Châu Anh cho biết.
“Ở Việt Nam, em cảm thấy là phái nam chúng em có quyền làm mọi thứ mà chúng em muốn, chúng em thích làm gì thì làm. Nhưng các bạn nữ lại phải chịu rất nhiều áp lực, nếu không tuân theo thì sẽ bị gièm pha với rất nhiều từ ngữ khiếm nhã như “vô tổ chức”, “vô kỷ luật”, “lẳng lơ”, “hư đốn”… Là một người trẻ, bản thân em khi tham gia dự án cũng muốn mọi người, đặc biệt là các bạn nam có thể nhìn thấy, thấu hiểu và đồng cảm với những khuôn mẫu, định kiến mà phụ nữ phải chịu. Giờ là thế kỷ 21 rồi, chúng ta nên cởi mở hơn, bình đẳng hơn. Các bạn nữ cũng có quyền được thể hiện bản thân, thể hiện cá tính của mình với xã hội, với thế giới và cho mọi người thấy mình là ai, mình tài năng như thế nào…” – Thịnh (Hà Nội) chia sẻ.
“Đây là một dự án em khá tự hào, vì không chỉ thu hút được các bạn và thầy cô của The Olympia School đến tham dự mà còn thu hút được nhiều bạn từ các trường khác nhau tham gia” – Châu Anh bộc bạch.
“Triển lãm và vở kịch “Lặng” thì ra lại là những tiếng nói rất có trọng lượng đến tâm trí của khán giả! Tôi là một người của thế hệ 9X, chúng tôi hầu như bị gắn liền với những định kiến của “người lớn”. Nhưng các em đã cho tôi thấy một thế hệ trẻ rất tuyệt vời, sâu sắc và tự do. Tôi tin rằng thế hệ các em sẽ truyền cảm hứng và lan toả để tạo nên một xã hội tự do, phản biện và tiến bộ!” – Anh Dương Hải Vinh (Hà Nội) cho biết.
“Thật sự rằng trong các vở kịch mình đã xem, Vở kịch “Lặng” này để lại nhiều cảm xúc nhất cho bản thân mình. Có đoạn mình đã suýt rơi nước mắt khi nghe sự bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ sâu thẳm của nhân vật. Mình thật sự rất bất ngờ với sự chân thật & tài nặng của diễn xuất của tất cả các diễn viên. Để kết thúc cảm nhận này, cảm nhận mình muốn nhận xét về vở kịch chính là “Tuyệt vời” & “Thành công” – H.A chia sẻ.
“Mình cũng ghét từ nạn nhân lắm nhưng mình thừa nhận mình là nạn nhân của grooming (kết thân và thao túng trẻ em với mục đích lạm dụng tình dục). Mình yếu đuối, mình sợ lên tiếng, sợ ánh mắt thương hại của mọi người xung quanh. Vậy nên mình hiểu, rất rõ. Rõ ràng từng chuyện đã xảy ra nhưng không thể phản kháng. Cuối cùng khi mình xem vở kịch mình cũng thấy được thấu hiểu” – một khán giả tham gia sự kiện chia sẻ.
Các bạn trẻ cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai và phát triển dự án “Hoa Mộc Lan” trong tương lai, và năm tới hình thức nghệ thuật mà nhóm lựa chọn để truyền tải các thông điệp chính là thơ ca.