Cảm giác đầu tiên khi bạn trở về Việt Nam sau nhiều năm đi học xa nhà là gì?
Khi được hỏi câu này, phần đông các du học sinh đều cảm thấy “chóng mặt” bởi những sự thay đổi, phát triển quá nhanh. Từ đường sá, cơ sở hạ tầng đến những tiện ích xã hội, công nghệ,… đều “xịn sò” vượt bậc. So với hồi mới bắt đầu xách vali đi ra nước ngoài học, không ít bạn trẻ cảm thấy ngỡ ngàng vì phải mất một thời gian mới “hòa nhập” lại với nhịp sống ở quê hương.
Bên cạnh đó, vấn đề chi tiêu cũng là một “cú sốc” khác với hội du học sinh. Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng tâm lý chung, nhiều bạn trẻ vẫn tự nhẩm một vài phép toán để có thể cân đối lại thu nhập – chi tiêu sao cho hợp lý và có cuộc sống ổn định, thoải mái.
Loạt thay đổi khiến Gen Z xa quê tự thấy mình “tối cổ”
Trương Vỹ Khang (sinh năm 1998, du học sinh Thái Lan), hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, chia sẻ rằng sau khoảng 2 năm xa nhà, dù vẫn thường xuyên theo dõi tình hình đất nước, nhưng khi trở về, cậu vẫn cảm thấy nhiều sự ngạc nhiên. Khang bày tỏ rằng bản thân cảm nhận rõ sự biến chuyển mạnh mẽ của đất nước trong thời gian qua.
“Nhịp sống vội vã hơn, đường phố tấp nập hơn, các công trình mới được ra đời, các ứng dụng cũng như tiện ích xã hội ngày một nhiều hơn, tư duy con người cũng ngày càng cởi mở … Hoặc đơn giản là có những xu hướng mới liên tục được cập nhật mỗi ngày khiến cho một người trẻ Gen Z như mình cảm tưởng chỉ cần đặt cái điện thoại xuống là trở thành người tối cổ ngay lập tức”, Vỹ Khang chia sẻ.
Đồng ý với chia sẻ này, Lưu Ái Linh (SN 1998, du học sinh Nga) cũng đang làm việc tại TP.HCM bày tỏ: “Việt Nam thay đổi rất chóng mặt. Mình nhớ khi về nhà gần như quang cảnh khu nhà mình đã rất khác, tốc độ phát triển hạ tầng đô thị thực sự rất nhanh, nhiều nơi trước khi đi chỉ mới là đồng ruộng, nhà đất lụp xụp, giờ đã là chung cư, TTTM lớn…”.
Bên cạnh đó, Linh cho hay ngoài những thứ đồ sộ có thể nhìn nhận ngay bằng mắt thì trong cuộc sống đời thường, thói quen sinh hoạt của mọi người cũng đã khác trước rất nhiều. “Có nhiều thứ thay đổi tuy rất nhỏ, mọi người có thể không để ý đến nhưng người ở xa về tiếp xúc sẽ thấy khá lạ và sốc. Ví dụ như sự phát triển mạnh của QR-code (khi mình đi chưa có QR nhiều như vậy), các app công nghệ đã có nhiều lựa chọn đặt đồ ăn, đặt vé máy bay, thanh toán phí,… tích hợp rất chuyên nghiệp”, Ái Linh nói.
Cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, việc Ái Linh quay trở lại Việt Nam sau thời gian du học là nhờ vào sự đa dạng trong các ngành nghề cũng như cơ hội việc làm ngày càng rộng mở. Cô chia sẻ rằng công việc của mình liên quan đến mảng Multi-Channel Network (MCN) – một ngành trước đây chưa được nhiều người biết đến nhưng hiện nay đang bùng nổ, được xem là một lĩnh vực hot với nhiều cơ hội phát triển và mức thu nhập ổn định.
Còn với Nguyễn Anh Tuấn (SN 1997) đã có tới 7 năm học tại Hà Lan, cậu bạn cảm thấy có nhiều điều ngạc nhiên khi trở về Việt Nam.
Anh Tuấn chia sẻ: “Mình bất ngờ khi mọi người giờ không sử dụng tiền mặt nhiều mà chủ yếu sang hình thức chuyển khoản. Với một người trước khi đi du học không có tài khoản ngân hàng thì điều này khiến mình có nhiều ngạc nhiên. Thêm nữa, giờ mọi người không cần phải ra ngoài đi chợ, mua đồ ăn như trước mà có thể đặt ngay trên các app công nghệ, rất tiện lợi”.
Một cốc trà sữa/ cafe 70k, bát phở cũng đã 50k: Người trẻ sẵn sàng làm việc nhiều để chi tiêu phóng khoáng
Bên cạnh những thay đổi trên, hầu hết các bạn trẻ đều nhận ra thói quen sinh hoạt cũng đã phần nào có những sự khác biệt. Với Anh Tuấn, cậu bạn cho hay những người trẻ hiện nay có cách chi tiêu phóng khoáng hơn.
Chẳng hạn nếu trước đây những tiệm trà sữa được coi là xa xỉ, phải tiết kiệm cả tuần mới dám uống 1 cốc thì giờ đã trở nên “bão hoà” hơn.
“Mấy năm trước khi đi uống trà sữa hay cafe với mình vẫn là một thứ gì đó hơi xa xỉ chút xíu. Mình chủ yếu ngồi vỉa hè chứ không vào các quán xá nhiều. Nhưng giờ mình thấy nó phổ biến hơn với tất cả mọi người Với lại, các quán giờ cũng tập trung decor nhiều hơn, phục vụ cho việc chụp ảnh của mọi người nên mình cũng thấy lối sinh hoạt đã khác xưa khá nhiều”, Anh Tuấn bày tỏ.
Bên cạnh đó, Anh Tuấn cho biết cách đây 7 năm, mức chi phí cho sinh hoạt không quá cao. “Bữa sáng hồi đó sẽ khoảng từ 20k – 35k, bữa trưa 50k cũng đã được coi là sang xịn,… các hình thức giải trí cũng ở mức trung bình. Còn hiện tại, một cốc trà sữa hay cafe bình thường cũng đã có thể lên tới 70k rồi. So với cá nhân mình và mức chi tiêu trước đây thì mình thấy nó cao, hơn một bữa sáng rồi”, Anh Tuấn bày tỏ.
Cùng chung tâm trạng, Vỹ Khang cảm thấy khá sốc khi mọi chi phí từ các nhu cầu cơ bản như ăn ngon, mặc đẹp hoặc các dịch vụ vui chơi giải trí đều tăng so với thời điểm trước khi đi du học: “Chẳng hạn như ngày trước mình có thể ăn một đĩa cơm tấm với giá 20 nghìn, nhưng hiện tại thì mình thấy giá một đĩa cơm tấm trung bình cũng đã 30 nghìn rồi. Mình chỉ nghĩ đơn giản rằng càng ngày thì mọi thứ đều có xu hướng gia tăng theo quy luật phát triển của xã hội”.
Với Ái Linh, cô bạn cho biết chi phí sinh hoạt ở Nga cũng khá cao nên có phần quen với giá cả khi về Việt Nam. Song, Ái Linh vẫn thừa nhận có cảm thấy hụt hẫng nhẹ khi một bát phở cũng đã 50k. Hay việc gọi đồ trên các ứng dụng công nghệ cũng đều trong tầm giá 50k, trong khi trước đây chỉ khoảng 30k – 35k.
“Khi về Việt Nam, lối sống thay đổi vì từ khi bắt đầu đi làm và tăng ca mình ăn ngoài nhiều hơn, gặp gỡ bonding với đồng nghiệp và dành thời gian để networking với khách hàng hơn,… Từ đó chi phí sinh hoạt cũng tăng lên nhiều so với thời sinh viên. Trung bình một tháng chi tiêu của mình rơi vào khoảng 15 – 18 triệu đồng cho các chi phí: thuê nhà, điện nước, ăn uống, giải trí, mua sắm, đi lại,…
Thường mình sẽ để khoảng 30% mức thu nhập để sử dụng cho các chi phí vui chơi, networking này, thậm chí các tháng lễ tết có thể cao hơn gấp đôi. Tuy vậy mình luôn luôn sẽ dành ra 1 khoản từ lương để tiết kiệm chứ không bao giờ tiêu sạch hết”, Ái Linh chia sẻ.
Cái khó “dồn” lên những người mới đi làm: Lương khởi điểm thấp, vẫn phải chi tiêu ở mức cao
Trên thực tế, đây vẫn là chủ đề được bàn tán rôm rả bởi mọi sự so sánh đều không mang tính chính xác. Tuy nhiên, Đức Trung (SN 1998) từng có thời gian sống ở Mỹ, Trung Quốc và hiện tại ở Việt Nam đã có những cảm nhận riêng về thu nhập, chi phí sinh hoạt ở mỗi nơi.
“Thời điểm mới sang Mỹ, mọi thứ mình thấy rất đắt đỏ. Phải mất một thời gian mình mới làm quen được với việc nếu như muốn ăn một bát phở thì giá không phải 50k, mà là gần 300k. Đi chơi cũng vậy, ở Việt Nam khi mình học cấp 3, có 200k tiêu vặt trong tuần đã thấy nhiều rồi nhưng sang Mỹ thì chưa đủ mua bát phở. Ngoài ra, tiền thuê nhà tại Mỹ hay Trung Quốc cũng tốn kha khá chi phí. Nên mình thấy mức sống ở 2 quốc gia này cũng rất cao. Nhưng đương nhiên, mức lương cơ bản tại đây khá phù hợp để mọi người chi tiêu như vậy.
Ở Hà Nội nói riêng hay các thành phố lớn tại Việt Nam, mức lương và thu nhập khởi đầu khá thấp so với mức sống hiện tại. Tức là, các bạn vẫn có thể sống được, thậm chí không gặp quá nhiều khó khăn nhưng nếu để tiết kiệm hay tích luỹ sẽ vất vả hơn”, Đức Trung nói.
Tương tự, Vỹ Khang bày tỏ đây là vấn đề mà nhiều bạn trẻ cũng hay than thở rằng thu nhập không đủ chi trả cho cuộc sống. Chẳng hạn sinh viên mới ra trường, mức lương khởi điểm trung bình là 7 triệu sẽ rất khó để duy trì cuộc sống ở các thành phố lớn.
Vỹ Khang cho biết ở Bangkok (Thái Lan), thu nhập trung bình là khoảng 26.000 Baht (khoảng 19 triệu VNĐ), dường như cao hơn so với thu nhập bình quân tại TP.HCM nhưng mức sống của cả hai thành phố lại khá tương đương.
Tuy nhiên, Vỹ Khang cũng cho hay, quan trọng nhất vẫn phải là tiết kiệm và chi tiêu vừa đủ so với mức thu nhập của bản thân thì ở bất kỳ thành phố, quốc gia nào cũng sẽ ổn định và có tâm lý thoải mái.
“Thông thường mình thường trích ra khoảng 10-15% trong tổng số thu nhập hằng tháng để gửi vào tài khoản tiết kiệm. Mình chọn gửi tiết kiệm online vì an toàn và lãi suất mình có được sau mỗi kỳ hạn gửi. Số tiền tiết kiệm này mình dùng để phòng trường hợp xảy ra các sự cố, đau bệnh hoặc xa hơn là các dự định trong tương lai”, Vỹ Khang chia sẻ.
Hải My