Tôi là Linh, 32 tuổi, hiện đang đi làm ở thành phố. Mẹ tôi đã qua đời hai năm trước do bị bệnh, ở quê giờ chỉ còn bố tôi sống một mình. Tôi vẫn luôn có suy nghĩ sẽ phấn đấu làm việc chăm chỉ, mua một ngôi nhà rộng hơn một chút để đón bố tôi lên thành phố ở cùng, cũng tiện cho việc chăm sóc ông. Thế nhưng một ngày nọ, đang trong giờ làm việc thì Vân – cô bạn hàng xóm gần nhà đột nhiên gọi điện cho tôi, giọng điệu có chút mơ hồ, nói với tôi rằng bố tôi có bạn gái rồi đấy, lúc nào về quê thăm bố mà xem mặt.
Tôi liền gọi điện thoại hỏi thăm bố, ông trả lời vẫn khỏe. Tôi nói khi nào có thời gian sẽ về thăm nhà, ông lại ậm ừ ngập ngừng rồi nói:
“Thôi con ạ, rảnh thì về, bận quá thì thôi, bố ở nhà vẫn ổn mà”.
Quả nhiên là có vấn đề thật! Thế nhưng sau khi suy nghĩ, tôi cũng không hỏi thêm nữa. Dù sao mẹ tôi cũng ra đi hai năm rồi, giờ bố tôi có người bầu bạn cho đỡ buồn cũng là chuyện tốt, nếu bố có dự định tái hôn thật thì ông nhất định sẽ tự nói cho tôi biết.
Ngày tháng trôi qua, cuối cùng bố cũng gọi điện cho tôi. Giọng ông trong điện thoại có phần lo lắng, ngập ngừng kể về người vợ mới mà ông vừa gặp, tên là Liên. Cô Liên và bố tôi quen nhau khi đi thăm một người bạn cũ; cô từ tỉnh khác lên đây để giúp nhà con trai chăm cháu. Bố tôi khen cô Liên tính tình hiền hậu, tháo vát, nhanh nhẹn, hai người quen nhau đã một thời gian và cảm thấy hợp nhau nên quyết định tái hôn. Tôi vừa vui mừng, vừa có chút lo lắng, nhưng cũng chỉ nói với bố rằng chỉ cần ông hạnh phúc là được, tôi sẽ luôn ủng hộ ông.
Bố tôi sức khỏe không được tốt, vì vậy ông đã nộp đơn về hưu sớm. Do nghỉ hưu sớm nên lương hưu của ông không cao. Trước đây, khi mẹ tôi còn sống, hai người cùng góp lương, cuộc sống cũng khá thoải mái. Nhưng sau khi mẹ mất, chi tiêu trong nhà cũng phải dè dặt hơn. Mẹ ra đi, cuộc sống của bố tôi trở nên đơn điệu và tẻ nhạt. Sống một mình, ông cũng chỉ ăn uống đơn giản, chủ yếu là các món chay, cháo, và rau xanh.
Tôi đi làm ở thành phố xa nhà nên không có nhiều thời gian chăm sóc bố, vậy nên trong hai năm qua, mỗi tháng tôi gửi về cho bố 5 triệu, thỉnh thoảng mua thêm thuốc bổ cho ông. Sau khi trong nhà có thêm người, chắc chắn chi tiêu sẽ tăng lên. Dù cô Liên có lương hưu nhưng tôi vẫn gửi thêm 2 triệu mỗi tháng, chỉ mong hai người sống với nhau thật yên ổn.
Nửa năm qua, tháng nào tôi cũng đều đặn chuyển tiền vào ngày mùng 5 hàng tháng. Nhưng hôm nay còn chưa hết tháng cũ, bố đã gọi điện cho tôi ngập ngừng hỏi liệu tôi có thể chuyển trước tiền tháng sau không? Tôi khá bất ngờ, chỉ bảo bố chờ cuối tuần tôi về nhà xem có chuyện gì rồi đưa tiền sau. Vừa cúp máy thì Vân lại gọi cho tôi, tiết lộ một sự thật động trời. Thì ra dì của Vân sống cùng khu dân cư với vợ chồng con trai cô Liên. Nửa năm nay, con dâu cô Liên thường xuyên xuống tụ tập chơi bời với những người khác ở khu dân cư, không đi làm gì cả. Khi dì của Vân hỏi thăm thì con dâu cô Liên khoe mẹ chồng mới tìm được ông chồng mới nhiều tiền lắm nên cả nhà không còn áp lực về kinh tế nữa.
Nghe xong, tôi vừa tức giận vừa khó hiểu. Thì ra đây là lý do bố tôi gọi điện bảo tôi chuyển tiền sớm, tôi liền gọi lại cho bố và hỏi về số tiền. Lúc đầu bố tôi còn trốn tránh, chỉ nói là nhà đông người nên tiêu tiền nhanh, nhưng sau khi tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần thì bố tôi tỏ ra bực bội: “Tiền con đưa bố là của bố rồi, dùng thế nào là quyền của bố. Nhà cô Liên xảy ra chút việc cần đến tiền, con không phải lo”.
Tôi thở dài, cũng nói thẳng với bố rằng dạo gần đây tôi không chuyển tiền được vì con tôi vừa vào học mẫu giáo, tìm một ngôi trường tốt cũng tốn kha khá, cả tôi và chồng đều phải tích góp tiền, nếu có chuyện gì gấp thì tính sau. Nói xong, tôi cúp máy.
Mấy hôm sau, có số lạ gọi đến. Tôi nghe máy, hoá ra là cô Liên hỏi tôi khi nào gửi tiền về cho bố, trong nhà hết thuốc rồi mà gần đây bố tôi phải uống rất nhiều loại.
Tôi liền hỏi lại thiếu những thuốc gì, tôi ở thành phố sẽ mua gửi về.
Cô Liên liền cười nói: “Ôi nhưng mà ngoài thuốc thang ra còn phải mua thịt thà rau quả cho bố con nữa, con cứ gửi tiền về, cô tự tính cho tiện”.
Tôi thấy khó chịu nên từ chối: “Cô ạ, thời gian này cháu cũng đang cần tiền nên tạm thời không gửi tiền về được, cháu cũng đã nói với bố cháu rồi, cháu đã dặn bố có gì cần thì cứ nói với cháu”.
Im lặng một lúc, đột nhiên cô Liên mắng tôi ầm lên: “Sao con lại sống như thế được hả? Có biết bố con ốm yếu lắm không? Bố nuôi con dễ dàng lắm hay sao? Không gửi tiền về thì cả nhà sống kiểu gì hả?”.
Tôi mặc kệ, cúp điện thoại, lòng thầm nghĩ nhất định phải về quê một chuyến làm cho ra ngô ra khoai vụ này.
Cuối tuần, tôi về nhà, nhìn bố tôi ngồi co ro một góc ở sô pha, lòng tôi chua xót khó tả. Không khí trong nhà cũng rất kỳ lạ.
Tôi nói thẳng: “Bố, con không phản đối bố với cô Liên sống cùng nhau, đó là quyền tự do của bố, thấy bố không còn lủi thủi một mình con cũng rất mừng. Nhưng con không muốn lòng tốt của bố bị lợi dụng, số tiền con gửi bố hàng tháng kia, con cũng đã biết cô Liên lấy cho con trai con dâu cô ấy rồi, bố không cần giấu con”.
Cô Liên nghe thấy vậy thì xông ra phòng khách:
“Cô bảo ai lợi dụng ai? Tôi với bố cô cưới nhau đàng hoàng, con trai tôi cũng là con của bố cô, người một nhà giúp đỡ lẫn nhau thì có gì sai trái? Cô đừng có mà ích kỷ, đặt điều cho người khác như thế!”.
Bố tôi vẫn im lặng, không nói gì. Nhìn cảnh đó, cơn tức giận của tôi lên đến đỉnh điểm, tôi nói:
“Tiền của tôi, tôi sử dụng thế nào, đưa cho ai là quyết định của tôi. Tôi đưa tiền cho bố là vì muốn bố sống tốt hơn chứ không phải cầm đi cho người lạ. Còn bà, nếu bà nói con trai bà cũng là con của bố tôi, thì mời bà đến nhà anh ta mà đòi tiền thuốc men ăn uống, chứ tôi chịu, không nuôi nổi”.
Nói rồi, tôi đi thẳng ra khỏi nhà. Mấy tháng sau đó, tôi nhất quyết không gửi một đồng tiền nào về, mặc cho hết bố tôi lẫn cô Liên gọi điện đòi. Cuối cùng, thấy thái độ cứng rắn của tôi, bà ta cũng đành chịu.
Tôi chỉ mong bố tôi được sống những ngày cuối đời yên ổn, nhưng xem chừng khó, không biết phải làm gì để báo hiếu bố tôi mà không bị người khác lợi dụng đây?
Việt Hằng