Mỗi lần đọc một bài viết nào đó nói về chuyện người lớn ly hôn và tìm đến hạnh phúc mới, nhưng con trẻ lại là người chịu nhiều đau lòng, tổn thương nhất, tôi thường lắc đầu không đồng tình. Bản thân tôi là đứa trẻ lớn lên trong cảnh bố mẹ ly hôn từ khi còn nhỏ. Đúng là lúc bé, tôi cũng buồn, cũng tủi thân, nhưng đến tầm 15 – 16 tuổi, tôi đã đủ trưởng thành để hiểu rằng mẹ lựa chọn ly hôn là hoàn toàn đúng đắn. Thậm chí, tôi còn thấy biết ơn vì mẹ đã dũng cảm thoát khỏi cuộc hôn nhân đầy độc hại đó.
Cuộc ly hôn của bố mẹ đã gắn liền với những ký ức không mấy dễ dàng trong tuổi thơ của tôi. Tôi ở cùng mẹ, cuộc sống có phần khó khăn, kinh tế hạn hẹp và mẹ tôi vừa phải làm quần quật nuôi con vừa phải chịu áp lực từ những lời bàn ra tán vào về chuyện chồng bỏ – bỏ chồng. Hai mẹ con tôi không về nhà ngoại ở vì nơi đó cũng chẳng ấm áp hơn nơi mà mẹ con tôi mới rời bỏ là bao.
Theo quyết định của tòa án, bố tôi có trách nhiệm đóng góp tiền học cho tôi hàng tháng. Mẹ tôi không yêu cầu chu cấp bất kỳ khoản nào vì biết kiểu gì cũng lắm chuyện với nhà chồng cũ nên đã yêu cầu bố tôi chủ động tự đóng học phí cho con để đỡ phải soi mói sợ mẹ tôi tiêu mất. Những tưởng sòng phẳng, minh bạch thế là ổn rồi nhưng không, vẫn không thể nào yên ổn nổi với họ.
Bố tôi, mặc dù có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng việc đóng học phí của ông thường xuyên muộn, tôi bị giáo viên nhắc nhở nhiều đến nỗi tôi sợ đi học, bạn bè hùa nhau vào bỉ bôi con nhà nghèo, có mỗi tiền học cũng không đóng nổi, tôi dần dần bị cô lập trong lớp. Đến giờ tôi vẫn không quên được chuyện giáo viên chủ nhiệm cố tình nhắc chuyện tôi thường xuyên đóng học phí chậm trước lớp để tôi bị bạn bè cười cợt, lôi ra làm trò đùa.
Mỗi lần tôi phải gọi điện xin bố tiền học là mỗi lần tôi dường như lấy hết can đảm để bấm số, sau khi trình bày xin tiền học thì tim cứ đập ầm ầm chờ đợi xem phản ứng của bố thế nào. Tại sao việc đóng học phí cho con lại là một gánh nặng đối với bố? Dần đần tôi luôn có cảm giác mình có lỗi, có tội khi xin bố đóng tiền học phí – thứ vốn dĩ là trách nhiệm của ông.
Tâm lý của một đứa trẻ luôn mong muốn được yêu thương và chấp nhận, nhưng những hành động của bố khiến tôi luôn tự hỏi mình có làm gì sai không. Tôi không dám nói chuyện này với mẹ vì tôi biết mẹ cũng áp lực tiền bạc lắm rồi nên chỉ cố gắng liên lạc với bố để mong ông đóng tiền học sớm cho. Thế nhưng nhiều lần như vậy, giáo viên đã gọi điện trách móc mẹ tôi về chuyện này.
Đỉnh điểm là khi mẹ đọc được tin nhắn bố gửi cho tôi:
“Tiền? Lại tiền? Sao lúc nào cũng tiền tiền tiền thế? Đã không được cái tích sự gì rồi còn suốt ngày tiền!”
Ngay sau đó, mẹ tôi đến thẳng nhà bố tôi, yêu cầu ông ký vào tờ giấy từ chối trách nhiệm chu cấp học phí cho con gái. Bố tôi vui vẻ ký ngay lập tức, giũ bỏ sạch sẽ trách nhiệm của 1 người làm cha trong sự hân hoan, vui sướng!
Kể từ đó, mẹ tôi làm mọi cách để tự mình nuôi con, may sao ông trời thương, sự vất vả ấy cũng không kéo dài quá lâu. Mẹ tôi may mắn tìm được công việc ổn định và cuộc sống của mẹ con tôi cũng không còn khốn đốn như trước.
Năm tháng trôi qua, tôi lớn lên và may mắn có được một công việc ổn định, thu nhập khá. Tôi lười lấy chồng vì muốn ở cùng mẹ nhiều hơn, mẹ tôi cũng chẳng giục giã tôi chuyện lập gia đình, tôi hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Tôi có thu nhập tốt và chưa vướng bận con cái nên đủ năng lực để cho mẹ những điều tốt đẹp nhất. Đưa mẹ đi du lịch nước ngoài, mua xe cho mẹ, sắm cho mẹ bất kỳ món đồ nào mẹ thích… và điều này có vẻ như bằng cách nào đó đã đến tai bố tôi.
Kỳ khôi là có những người đàn ông không muốn có trách nhiệm với con cái nhưng lại rất thích đòi hỏi quyền lợi. Thấy tôi mua cái này cái kia cho mẹ, bố tôi – người không ngần ngại mà thẳng tay ký vào tờ giấy từ chối trách nhiệm nuôi con lại muốn tôi báo hiếu.
Lần đầu thì ông nhắn tin bảo tôi chuyển cho 50 triệu để mua xe máy mới. Tôi thậm chí còn không đọc được tin nhắn lọt vào tin nhắn rác đó.
Lần thứ hai ông ấy gọi điện nói rằng “em trai tôi” làm ăn thua lỗ cần 150 triệu để trả nợ nếu không sẽ bị kiện đi tù.
Tôi đương nhiên đâu có vấn đề gì về nhận thức đâu mà lại đồng ý trả nợ đậy hộ “em trai” từ trên trời rơi xuống, thậm chí tên không biết, mặt chẳng hay.
Tôi không thể nào quên những giọt nước mắt của mẹ, những nỗ lực không ngừng nghỉ để đảm bảo cuộc sống của tôi được đầy đủ và hạnh phúc. Mẹ là người đã ở bên tôi trong mọi khoảnh khắc, dù vui hay buồn, mẹ luôn là bến đỗ vững chắc nhất của tôi. Và đó là người duy nhất tôi cần phải báo hiếu chứ không phải là người đã bỏ rơi tôi từ lâu.
Với 1 người đàn ông như vậy thì cố gắng duy trì hôn nhân để làm gì? Tôi không cổ súy chuyện ly hôn nhưng nếu cố gắng ở với nhau để rồi con cái phải sống trong cái cảnh chẳng hạnh phúc gì thì cố gắng để làm gì đâu? Cho đến giờ, tôi luôn thấy may mắn khi mẹ tôi là người phụ nữ đủ quyết liệt, đủ dũng cảm để bước chân ra khỏi vũng bùn mình chẳng may dẫm phải!
Mạn Ngọc