Bài viết đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện của bà Kiều:
***
Tôi họ Kiều, năm nay 57 tuổi, đã nghỉ hưu với lương hưu mỗi tháng 2800 NDT (khoảng 10 triệu đồng). Tôi làm thêm công việc bảo mẫu với mức lương 5500 NDT mỗi tháng (khoảng 19 triệu đồng).
Tôi đã sống một mình nhiều năm. Để hỗ trợ cuộc sống của con trai, tôi không còn cách nào khác ngoài việc đi làm thêm. Con trai tôi làm việc ở thành phố lớn và đã lập gia đình. Ngôi nhà mà con trai tôi đang ở là do vợ chồng ông bà thông gia hỗ trợ trả tiền đặt cọc.
Sau khi tôi tặng cho con dâu 128.000 NDT (khoảng 452 triệu đồng) tiền sính lễ và 50.000 NDT (khoảng 176 triệu đồng) mua vàng, tôi chỉ còn đủ tiền để mua một chiếc xe đi lại cho con trai.
Trước khi về hưu, tôi là nhân viên tại một doanh nghiệp. Để nuôi con trai duy nhất đi học, tôi đã làm việc chăm chỉ. Khi chồng tôi đi, mọi người xung quanh khuyên tôi nên đi bước nữa. Nhưng để tạo cho con một môi trường phát triển tốt, tôi không muốn tái hôn, càng không muốn cùng ai khác chung sống.
Hàng ngày, tôi đều bận rộn với công việc, làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Con trai tôi học rất giỏi, trong thời gian học cao học, con đã gặp con dâu. Con dâu tôi là con gái duy nhất của một gia đình ở thành phố, ông bà thông gia đều có lương hưu rất cao.
Khi bàn chuyện cưới hỏi của con trai tôi và con dâu, ông bà thông gia đều hài lòng với khả năng phát triển của con trai tôi. Ông bà thông gia cũng quyết định sẽ trả tiền đặt cọc mua nhà cho các con. Còn tôi chỉ cần theo phong tục địa phương mà chuẩn bị sính lễ, vàng và mua một chiếc xe đi lại cho con trai.
Đối mặt với yêu cầu từ phía nhà thông gia, tôi cố gắng hết sức mình, thậm chí phải vay mượn để đáp ứng. Sau khi kết hôn, con trai thường nói với tôi rằng, cuộc sống của con khá khó khăn. Ban đầu, ông bà thông gia đã hứa sẽ giúp đỡ trả một phần khoản vay mua nhà. Nhưng sau khi kết hôn, ông bà thông gia lại phủ nhận rằng họ chưa từng nói điều đó.
Lời nói của con trai mong rằng tôi có thể hỗ trợ thêm cho các con. Tôi hiểu điều này và tôi cũng muốn các con có cuộc sống tốt hơn. Khi tôi nghỉ hưu, tôi từng nghĩ mình có thể giúp các con chăm cháu, nhưng ông bà thông gia đã nhận trước. Tôi quyết định đi làm thêm, ban đầu là ở thị trấn mà tôi sống, nhưng thu nhập không nhiều và tôi cũng không thể thường xuyên gặp con, cháu.
Một người quen khuyên tôi rằng làm bảo mẫu ở thành phố sẽ có thu nhập tốt hơn và nên đến thành phố mà con trai đang ở. Lựa chọn như vậy, tôi vừa có thể thường xuyên gặp con cháu, vừa cho thuê căn nhà của mình ở quê để kiếm thêm chút thu nhập. Tôi đã bàn bạc với các con về chuyện này và ông bà thông gia cũng đã giúp tôi tìm một công việc tốt.
Một thời gian sau, tôi đã tìm được công việc làm bảo mẫu, chăm sóc cho một bà cụ 78 tuổi ở cùng khu phố với con trai tôi. Mỗi tháng tôi nhận được 5500 NDT tiền lương (khoảng 19 triệu đồng).
Tôi được nghỉ 4 ngày mỗi tháng. Nếu không nghỉ, tôi còn được trả thêm tiền tăng ca, điều này khiến tôi rất vui. Có thu nhập từ công việc làm thêm này, tôi thường xuyên gửi tiền cho con trai, giúp con trả nợ mua nhà.
Mỗi khi gặp tôi, thông gia đều tỏ ra rất vui vẻ, họ khen tôi khỏe và chăm chỉ. Thỉnh thoảng, ông bà thông gia còn rủ tôi xin nghỉ phép để cùng họ đi du lịch ngắn ngày nhưng tôi đã từ chối vì muốn tiết kiệm tiền.
Thời gian trôi qua, tôi dần biết qua lời kể của người khác rằng: Ông bà thông gia thực sự rất giàu có và biết cách hưởng thụ cuộc sống, không chỉ thể hiện qua những chuyến du lịch mà còn qua phong cách sống hàng ngày.
Vì ngôi nhà của con trai tôi là do nhà thông gia trả tiền đặt cọc, tôi luôn cảm thấy mình thua kém họ. Chỉ có làm việc chăm chỉ, kiếm tiền và trợ giúp con nhiều hơn thì tôi mới có thể giúp con trai mình có cuộc sống tốt hơn. Có lẽ suy nghĩ này đã khiến tôi tự ti.
Vào năm ngoái, khi thông gia tổ chức tiệc mừng sinh nhật , con trai và con dâu tôi đã mời rất nhiều bạn bè và người thân đến một khách sạn 5 sao.
Con trai còn bảo tôi chuẩn bị một phong bì mừng sinh nhật, ít nhất là 5000 NDT(khoảng 18 triệu đồng), nếu không sẽ mất mặt. Để giữ thể diện cho con, tôi đành phải rút tiền tiết kiệm của mình ra để đưa phong bì cho thông gia.
Trong buổi tiệc, tình cờ tôi nghe thấy bà thông gia khoe với bạn bè. Bà ấy nói rằng không chỉ tìm được một chàng rể tốt mà còn có một thông gia tốt. Hóa ra, con dâu tôi đã chuyển số tiền mà tôi gửi cho con trai mỗi tháng sang cho nhà thông gia.
Nghĩa là 6000 NDT (khoảng 21 triệu đồng) tôi gửi cho con trai mỗi tháng, con dâu tôi đã đưa hết cho mẹ ruột của mình. Nghĩ lại cảnh tôi đi làm bảo mẫu nhưng tiền đó lại đưa cho thông gia, không có gì lạ khi họ có cuộc sống an nhàn và thoải mái như vậy. Họ không chỉ có lương hưu cao mỗi tháng mà còn nhận được thêm số tiền từ tôi.
Sau khi biết chuyện, tôi nhắn tin cho con trai hỏi về việc con dâu gửi 6000 NDT (khoảng 21 triệu đồng) cho nhà thông gia. Con trai trả lời rằng ông bà nhà thông gia đã giúp chăm cháu nên gửi số tiền đó là chuyện nên làm. Con còn nói thêm rằng ở thành phố lớn, tiền thuê người chăm trẻ rất cao, vì vậy tôi không nên so đo.
Cả cuộc đời tôi đã sống vì con trai, từ khi còn trẻ đến lúc về hưu, bây giờ tôi muốn sống cho chính mình. Sau khi nghĩ thông suốt, tôi đã quyết định nghỉ việc, không cho thuê căn nhà ở quê nữa, trở về quê sống. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, nếu chiều chuộng con cái quá mức, thì người chịu khổ chỉ là cha mẹ. Mong rằng các bậc cha mẹ đều học cách yêu thương bản thân mình, chăm sóc bản thân mình.
Theo Toutiao
Minh Nguyệt