Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, con đường trưởng thành của trẻ đầy rẫy khó khăn, trắc trở. Đặc biệt, việc con cái sẽ giao tiếp, kết bạn với ai ở trường cũng là điều mà nhiều cha mẹ quan tâm. Một số cha mẹ lo lắng con sẽ bị các bạn cùng lớp bắt nạt ở trường, để lại những vết thương khó lành trong tâm trí trẻ.
Trong khi nhiều bậc phụ huynh khác lại ít dành thời gian quan tâm, chăm sóc con cái, dẫn đến việc con có những vấn đề về tâm lý, thậm chí bị những bạn học xấu rủ rê, lôi kéo. Vì vậy, để con có được những người bạn thực sự tốt, đồng hành cùng con thì cha mẹ cần chú ý đến con cái nhiều hơn và khuyên con hãy tránh xa 3 kiểu bạn dưới đây.
1. Những bạn luôn khuyến khích con làm điều xấu, nguy hiểm
Những người bạn này luôn đưa ra những ý tưởng khác lạ, xúi giục trẻ làm một số điều nguy hiểm hoặc xấu xa, chẳng hạn như phá hoại cơ sở vật chất của trường học, đến trung tâm mua sắm để trộm đồ,… Thậm chí, một số đứa trẻ thuộc nhóm này có tâm lý vặn vẹo, cho rằng mình làm như thế là “ngầu”.
Những người bạn này chỉ quan tâm đến tâm trạng của riêng mình mà không quan tâm đến sự an toàn và tương lai của mọi người xung quanh. Chính vì thế, bạn cần dặn dò con rằng một người bạn tốt thực sự sẽ không bao giờ khiến con gặp nguy hiểm.
Do đó, khi gặp phải một người bạn xấu như vậy, con phải kiên quyết từ chối và giữ khoảng cách. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần khuyên bảo con cần hiểu rõ điểm mạnh của bản thân, đừng mù quáng nghe theo gợi ý của người khác, phán xét dựa trên các suy đoán vô căn cứ và phải biết đưa ra những lựa chọn sáng suốt.
2. Những người bạn thích trêu chọc, không tôn trọng con
Những người bạn không kính trọng con có thể chế giễu con vì ngoại hình, điểm số hoặc bất cứ lý do nào. Thậm chí, kiểu bạn này còn đặt cho trẻ những biệt danh khó nghe.
Những bạn học này có thể nghĩ điều này thật buồn cười nhưng vô tình gây tổn hại lớn đối với trẻ. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu, kiểu bạn thiếu kính trọng người khác không xứng đáng làm bạn với trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dặn con chú ý tránh xa một số bạn học hành xử thô lỗ trước mặt con, dùng lời nói và hành động đe dọa để con phải nghe lời họ. Ví dụ, những người bạn ấy có thể nhờ con dọn dẹp lớp học, làm bài tập về nhà hoặc mua đồ ăn cho bản thân. Nếu con từ chối, họ sẽ đe dọa nghỉ chơi hoặc nói xấu, bắt nạt con.
Cha mẹ nên giáo dục con phải tin vào giá trị của bản thân, đừng để lời nói của người khác ảnh hưởng. Nếu gặp phải tình huống như vậy, con có thể cố gắng nói chuyện, khuyên nhủ các bạn rằng hành vi đó là sai. Nếu họ không lắng nghe, con hãy kiên quyết tránh xa và đừng cố gắng làm hài lòng các bạn, khiến bản thân cảm thấy bị đối xử sai trái.
Làm bạn với những học sinh như vậy có tác động tiêu cực đến sự phát triển và sức khỏe tinh thần của trẻ, gây hại cho bản thân.
3. Những người bạn cùng lớp thích bắt nạt các bạn học khác
Những bạn học này có thể bắt nạt về thể chất hoặc áp bức tinh thần các bạn cùng lớp. Kiểu học sinh như vậy thường có ham muốn kiểm soát mạnh mẽ và có xu hướng bạo lực, điều này rất nguy hiểm.
Nếu gặp phải một người bạn như vậy, các bậc cha mẹ cần nhắc nhở con phải báo cáo kịp thời và tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên hoặc cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ cần dạy con học cách tự bảo vệ mình, không hành động một mình mà liên kết cùng với các học sinh khác để tố cáo những bạn học thích bắt nạt người khác.
Một số nguyên tắc cơ bản cha mẹ cần dạy trẻ để hòa đồng với các bạn học:
– Tôn trọng người khác: Tôn trọng là cơ sở để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Dù là lời nói hay hành động, cha mẹ cũng cần dạy con nên tôn trọng cảm xúc và ý kiến của người khác. Các bậc phụ huynh cần để con cái hiểu rằng mỗi người đều có cá tính riêng và xứng đáng được tôn trọng. Đồng thời, cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách bày tỏ quan điểm của bản thân thay vì làm nổi bật bản thân bằng cách coi thường, chế giễu người khác.
– Dạy trẻ cách hợp tác: Trong một tập thể, mỗi người đóng vai trò khác nhau và chỉ khi làm việc cùng nhau thì nhiệm vụ mới có thể hoàn thành. Vì vậy, cha mẹ cần dạy con học cách lắng nghe ý kiến của người khác và tôn trọng sự đóng góp của họ. Đồng thời, mỗi người phải có dũng khí để nhận trách nhiệm và đóng góp vào sự thành công của tập thể.
– Dạy trẻ cách giải quyết xung đột: Xung đột là một phần không thể tránh khỏi trong giao tiếp giữa các cá nhân. Cha mẹ cần hướng dẫn con bình tĩnh và giải quyết xung đột một cách hợp lý. Cha mẹ có thể dạy trẻ một số kỹ năng giải quyết xung đột, chẳng hạn như tạo sự đồng cảm, tìm ra điểm mâu thuẫn, đề xuất giải pháp,…
Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy con duy trì thái độ tích cực. Dù gặp phải khó khăn hay thất bại, con cũng cần giữ thái độ lạc quan và tin tưởng vào khả năng của bản thân. Ngoài ra, hãy giúp con nắm vững những nguyên tắc này thông qua những lời dạy nhỏ hàng ngày, từ đó thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp và tạo nền tảng vững chắc cho tương lai của con.
Theo 163.com
Ứng Hà Chi