10h đêm, một bà mẹ ở Hà Nội trong tâm trạng rối bời lên một diễn đàn xin tư vấn. Con gái chị, năm nay học lớp 11, đi đâu, làm gì gia đình không biết. Con không xin phép, không gọi điện, con trộm điện thoại của bố. Theo lời kể của người mẹ, con dù lớn nhưng không hề thương mẹ, thiếu trách nhiệm với gia đình. Nhưng, vấn đề gây tranh luận không phải chỉ là chuyện đứa trẻ bỏ nhà đi chơi.
Bà mẹ này kể, bé gái là con của chị với chồng cũ. Do hoàn cảnh gia đình, chị đi xuất khẩu lao động và gửi con cho ông bà trông đến khi con học lớp 9. Hiện tại, chị đã đi bước nữa và có 1 bé trai 5 tuổi, chị cũng đón con ra ở cùng mình.
“Gia đình kinh tế không khá giả, mình và chồng đều làm tự do thu nhập không đều và phải đi thuê nhà trọ. Điều mình buồn nhất là con gái lớn không hề biết thương cho hoàn cảnh của mẹ, con luôn trách móc rằng mẹ đẻ ra con mà không nuôi con. Những lúc như thế mình chỉ biết để nước mắt rơi lã chã…
Mình và chồng đi làm về cả ngày mệt mỏi, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng con không hề phụ giúp, mẹ thúc giục mãi con hỗ trợ cũng chỉ rất qua quýt và sơ sài… Đỉnh điểm con đi chơi về muộn, mình la mắng con và có lỡ tay đánh con 1 cái, con quay ra giật tóc và cào mình trầy xước hết tay, chảy máu rất đau, sức mình không thể nào thoát ra được so với sức của con. Hai mẹ con cãi vã, con nói thẳng là con không muốn sống với mẹ, con ra ngoài thuê nhà trọ ở…”, chị kể.
Xe máy con hỏng, chị mang đi sửa vài lần tốn hết 5 – 6 triệu. Tiếc tiền, chị bảo con đi cẩn thận nếu không sẽ không sửa nữa, con phải đi xe đạp, con nói thẳng là bảo bạn trai đến đón… Người chồng, theo chị là rất hiền, thường sẽ không xen vào việc hai mẹ con tranh cãi và chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ con. Nhưng cũng có lần anh phải thốt lên “như thế này thì vợ chồng mình khó sống chung với nhau lắm”… Con còn lấy cắp tiền, rất nhiều lần, từ lúc ở với ông bà đã có biểu hiện này.
“Ngay bây giờ khi mình bất lực và viết lên đây, 10h đêm con đi đâu, làm gì mình không biết. Con không xin phép, không gọi điện, con trộm điện thoại của chồng mình đi… Mình cảm thấy bất lực, thất bại, đau khổ đến tột cùng… Mình gần 50 tuổi, không có nhà để ở, con cái thì nông nỗi đó. Nhiều khi mình chỉ muốn kết thúc cuộc sống đau khổ này…”, bà mẹ than thở.
Rất dễ để “dán nhãn” con hư, nhưng…
Nhiều người đồng cảm với bà mẹ, cho rằng có con tuổi dậy thì là một trong những “hòn đá” đè nặng tâm lý cha mẹ. Con ẩm ương, khó dạy bảo, đủ thói “hư”. Có người còn xót thay bà mẹ, gợi ý “không dạy nổi thì thả ra cho xã hội dạy. Cha mẹ đi làm kiếm tiền tích lũy để sau này lỡ con có gì lúc ấy dang tay ra thì con mới biết ơn. Đang tuổi ngựa non háu đá, chưa thấm đời để học hai chữ biết ơn là gì”.
Thế nhưng, nhiều người phản biện, cho rằng, đằng sau sự “nổi loạn” này của đứa trẻ không phải là không có nguyên nhân. Chỉ trích một đứa trẻ hư thì dễ, hiểu được nó mới là việc khó. Rất tiếc, nhiều người làm cha mẹ nhưng chưa chắc đã biết mở lòng ra để thấu hiểu con mình, họ chỉ biết nhìn phần nổi của tảng băng chìm để trách móc, than thân trách phận.
Xét về hoàn cảnh, bé gái đã chịu nhiều thiệt thòi, không được giáo dục tử tế từ nhỏ. Xác định đi xuất khẩu lao động xa thì mẹ phải chuẩn bị tâm lý cho con, phải ngồi xuống nói chuyện động viên con chia sẻ với con cùng mình cố gắng trong thời gian này, luôn kết nối với con mỗi ngày qua tin nhắn, video call để không bị mất tình cảm mẹ con, động viên con học tập và cố gắng.
Trẻ con thật ra luôn bao dung độ lượng với bố mẹ nếu như con cảm nhận được tình yêu vô bờ của ba mẹ, cảm nhận được nỗi vất vả khó khăn của họ. Ở đây con đã không có được tình yêu thương lại cũng không có được cả điều kiện sống tốt.
Một đứa trẻ lớn lên 1 cách bản năng không uốn nắn tỉ mỉ như 1 cây dại. Tuổi thơ của đứa trẻ là những ngày tháng không bố mẹ, là ăn học 1 mình, là không ai quan tâm vỗ về, ôm ấp. Cho tới khi thấy mẹ một lần nữa lại rời mình để sống cùng một người đàn ông khác, sinh em bé và tạo ra 1 gia đình mới. Thứ mà tuổi thơ hay hiện con vẫn không có được.
“Chị đã không thật sự vun đắp tình cảm 2 mẹ con khi chị quay về, chị kết hôn vội vàng khi không chuẩn bị sẵn tâm lý cho con và cho con thời gian để cảm nhận tình cảm gia đình. Một người đàn ông tốt cũng không bằng con mình hạnh phúc, chưa chu toàn con cái mà lo hạnh phúc riêng trên quan điểm mẹ đơn thân của em là chị sai. 1 đứa bé không tự nhiên hư hỏng”, 1 phụ huynh nêu ý kiến.
Trên thực tế, trẻ em là những cá thể nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi môi trường sống và mối quan hệ gia đình. Khi một đứa trẻ phải sống với ông bà từ nhỏ, đặc biệt là trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, nó có thể phải đối mặt với nhiều cảm giác cô đơn và những tác động tâm lý không nhỏ. Mặc dù ông bà có thể cung cấp sự chăm sóc và yêu thương, nhưng thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ có thể dẫn đến những khó khăn lớn trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ.
Trẻ em cần sự giáo dục, hướng dẫn và sự sẻ chia từ cha mẹ, những người trực tiếp tạo dựng mối liên kết tình cảm đặc biệt. Khi thiếu vắng sự hiện diện này, trẻ có thể cảm thấy cô đơn, không thể tìm được nơi an ủi hoặc là người đồng hành trong những lúc khó khăn.
Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận thức được sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ gần gũi và chăm sóc tinh thần cho trẻ, để trẻ có thể vượt qua cảm giác cô đơn và phát triển một cách lành mạnh cả về thể chất lẫn tâm lý.
Nhiều người khuyên, trong trường hợp này, bà mẹ cần có một lần trải lòng nghiêm túc với con. Hãy nói xin lỗi con về quá khứ vì cơm áo đã không gần được con, làm con thiếu thốn tình cảm của mẹ, điều hay lẽ phải mẹ chưa sát sao bảo ban được con. Rồi sau đó mẹ lại có gia đình mới, bị phân tâm nên không quan tâm, dành hết yêu thương cho con.
Hãy nói với con mẹ sẽ cố gắng mỗi ngày để đồng hành cùng con, chỉ ra cho con thấy những điều con làm chưa tốt. Hãy đồng hành, yêu thương thực sự thay vì đổ lỗi và đánh mắng.
“Con đang nghĩ bị bỏ rơi suốt 9 năm trời. Muốn hàn gắn lại thì phải cần thời gian và sự chia sẻ, khuyên nhủ, chuyển hoá dần. Không thể một sớm 1 chiều được. Cũng không thể trách mắng và đánh đập con. Làm vậy con càng rời xa chị. Chị hãy nghĩ rằng, chị xa con 9 năm thì giờ ít nhất, chị cần phải có 9 năm để hàn gắn chứ không phải 1, 2 năm. Không dễ dàng như thế được”, một phụ huynh góp ý.
Hiểu Đan