Theo chuyên gia luật, sự việc siêu mẫu Thanh Hằng tố cáo Á hậu Hoàng Thùy, muốn phân định ai đúng ai sai, phía Thanh Hằng cần phải chứng minh được mọi hành vi của Hoàng Thùy đủ cấu thành tội “vu khống” và có thiệt hại thực tế.
Những ngày qua, Á hậu Hoàng Thuỳ gây xôn xao dư luận với “series dài tập” trên Facebook cá nhân, trong đó nhắc đến cái tên “Thanh Hằng” khi chia sẻ câu chuyện về việc bị chèn ép, không thể ngồi ghế giám khảo Miss Universe Vietnam 2024. Ngày 19/7, phía Thanh Hằng đã chính thức nộp đơn lên Sở Thông tin và Truyền thông cùng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM để yêu cầu xử lý thông tin sai sự thật. Thanh Hằng cáo buộc rằng Hoàng Thuỳ đã sử dụng lời lẽ vu khống và cố tình cắt ghép thông tin nhằm hạ bệ danh tiếng của cô.
Ai đúng, ai sai?
Phía Thanh Hằng cho biết rằng từ ngày 11/7 đến 16/7, Hoàng Thuỳ đã liên tục công kích cô với các bài đăng bóng gió: “Tất cả bài viết, hình ảnh Hoàng Thùy đăng trên mạng xã hội đều có tính toán, chủ đích, bất chấp việc các hình ảnh, thông tin này đều là bịa đặt, cố tình cắt ghép và không có tính xác thực. Hệ quả xảy đến là có nhiều thành phần quá khích đã tấn công, bạo lực mạng với tôi“.
“Bà Thùy cố tình đăng ảnh tin nhắn có nội dung chỉ đích danh tôi: ‘Thanh Hang doesn’t want’ (‘Thanh Hằng không muốn’ – PV). Như vậy, bà Thùy không còn ám chỉ, bóng gió mà đã trực tiếp nêu đích danh tên tôi. Bà Thùy dẫn dắt, điều hướng dư luận chĩa mũi công kích trực diện vào tôi, vu khống cho tôi là người gây ra sự việc khiến bà không được làm giám khảo chương trình“, Thanh Hằng nêu trong đơn gửi Sở TT&TT.
Việc nghệ sĩ mâu thuẫn và “đấu tố” nhau trên mạng xã hội, nhờ pháp luật can thiệp, đã trở thành một vấn đề quen thuộc trong showbiz Việt. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dư luận đang chia thành nhiều quan điểm khác nhau. Một phần cho rằng Thanh Hằng đã tố cáo đúng và cần sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ danh dự của mình. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng Hoàng Thùy không sai về mặt pháp luật và những hành động của cô có thể không vi phạm quy định pháp lý. Điều này cho thấy sự phức tạp của vấn đề và nhu cầu giải quyết công bằng từ các cơ quan chức năng.
Liên hệ chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường – Giảng viên Luật thuộc trường Đại học Luật TP.HCM trả lời về trường hợp này: “Thanh Hằng phải chứng minh rằng các hành vi của Hoàng Thùy đã cấu thành tội vu khống, bao gồm việc cố ý cung cấp thông tin không đúng sự thật với mục đích gây tổn hại đến người khác. Nếu có đủ bằng chứng và các yếu tố này được đáp ứng, Thanh Hằng có thể tiến hành kiện và yêu cầu các biện pháp xử lý pháp lý phù hợp”.
“Trong trường hợp thông tin Hoàng Thùy đưa ra là sự thật, và việc BTC Miss Universe Vietnam 2024 từ chối Hoàng Thùy làm giám khảo là do Thanh Hằng không muốn, thì việc kiện Hoàng Thùy về tội vu khống sẽ không có cơ sở pháp lý“, Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường khẳng định.
Chuyên gia phân tích cơ sở của tội vu khống: Theo quy định của pháp luật, tội vu khống xảy ra khi có hành vi cố ý đưa thông tin sai sự thật nhằm làm tổn hại danh dự, nhân phẩm của người khác. Nếu thông tin là sự thật, thì không thể coi là hành vi vu khống.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường nói thêm: “Để chứng minh tính xác thực, Hoàng Thùy có thể cung cấp các chứng cứ chứng minh rằng những gì cô ấy đã đăng tải là sự thật. Trong trường hợp này, Thanh Hằng sẽ không thể chứng minh rằng mình bị vu khống. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, Thanh Hằng cần phải xem xét kỹ lưỡng các bằng chứng và hoàn cảnh trước khi tiến hành các biện pháp pháp lý. Nếu thông tin Hoàng Thùy đưa ra là sự thật, Thanh Hằng có thể cần tìm các biện pháp khác để giải quyết vấn đề, thay vì kiện tụng về tội vu khống“.
Tố hay kiện?
“Nếu các hành vi của Hoàng Thùy cấu thành tội vu khống, Thanh Hằng có thể yêu cầu khởi tố hình sự“, Tiến sĩ Thái Cường nói.
Trong trường hợp này, nên làm rõ Thanh Hằng đã có hành vi tố cáo Hoàng Thùy lên Sở thông tin và Truyền thông, khác hoàn toàn với một vụ kiện, ra tòa. Sở TT&TT có trách nhiệm quản lý, giám sát việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng xã hội, xử lý vi phạm hành chính như phạt tiền, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai lệch, hoặc đình chỉ hoạt động của tài khoản vi phạm. Quy trình này diễn ra nhanh chóng hơn, giúp giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn, ngăn chặn các tác động tiêu cực của thông tin sai lệch.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính và hình sự, bao gồm cả các vụ án liên quan đến danh dự, nhân phẩm, và tội vu khống. Phán quyết của Tòa án có giá trị pháp lý cao và là bắt buộc thi hành, có thể bao gồm các hình thức bồi thường thiệt hại hoặc án phạt tù đối với người vi phạm. Việc nộp đơn lên Tòa án thường mang tính chất pháp lý mạnh mẽ hơn và có thể đem lại kết quả toàn diện hơn so với xử lý hành chính tại Sở Thông tin và Truyền thông.
Theo chuyên gia luật Nguyễn Thái Cường, việc nộp đơn lên Sở Thông tin và Truyền thông thường đơn giản hơn, ít tốn kém và không phức tạp như quy trình tố tụng tại Tòa án. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Hơn nữa, khi Sở Thông tin và Truyền thông vào cuộc, sự việc có thể được công khai, tạo áp lực lên người vi phạm, buộc họ phải dừng hành vi sai trái và cải chính thông tin. Trong một số trường hợp, hành vi của Hoàng Thùy có thể chưa đủ nghiêm trọng để đưa ra Tòa án, mà chỉ cần xử lý ở mức độ hành chính là đủ để bảo vệ danh dự và uy tín của Thanh Hằng.